Người lớn tuổi nhập viện vì phế cầu khuẩn tấn công phổi
Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, các bệnh do phế cầu khuẩn thường diễn tiến nhanh, để lại nhiều di chứng nguy hiểm đến tính mạng, nếu may mắn khỏi bệnh vẫn có thể mắc biến chứng mù, điếc, liệt và chậm phát triển tâm thần kinh suốt đời. Khoảng 25% người trên 65 tuổi mắc viêm phổi có nguy cơ tử vong; 30-50% người bệnh phải gánh chịu những biến chứng nặng nề như áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, suy hô hấp nặng, viêm màng ngoài tim…
Ghi nhận tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thời gian vừa qua, tỷ lệ các ca viêm phổi nặng tăng khoảng 20% so với trước khi vào hè, trong đó chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường.
Ông Nguyễn Văn Đề (65 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã điều trị viêm phổi do phế cầu khuẩn gần 2 tuần. Trước đó, sau một lần dầm mưa, ông về nhà và bắt đầu bị sốt, mệt, ho, đau cơ. Nghĩ chỉ bị cảm thông thường, ông tự điều trị bằng thuốc hạ sốt nhưng không hết, sau đó 2 ngày ông bị khó thở, suy hô hấp phải nhập viện. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội phát hiện ông bị viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi phải. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thấy ông bị viêm phổi do vi khuẩn phế cầu.
Ở giường bệnh bên cạnh, bà Hoàng Thị Quỳnh (50 tuổi) sắp sửa xuất viện sau hơn 1 tháng điều trị viêm phổi. Bà Quỳnh cho hay: "Tôi bán hàng rong, ngày mưa cũng cố gắng bán buôn để gỡ chút vốn, không ngờ lại bị bệnh phải nằm viện hơn tháng trời, trở thành gánh nặng kinh tế cho các con. Bác sĩ nói sức đề kháng của tôi yếu do tuổi cao, lao động nhiều, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi. Nếu ra viện tôi vẫn quay lại bán buôn thì cần tăng cường đề kháng, bảo vệ phổi bằng vaccine sẽ giảm nguy cơ bị bệnh".
Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, thời tiết thay đổi thất thường, mưa kéo dài hơn một tháng qua xen kẽ những ngày nắng gắt khiến vi khuẩn và virus dễ phát triển và tồn tại lâu hơn trong cơ thể con người. Bên cạnh đó, do sợ mưa gió, người dân thường đóng kín cửa khiến không khí không lưu thông tốt, vi khuẩn và virus không được đẩy ra ngoài để tiêu diệt. Người lớn tuổi có hệ miễn dịch đã suy giảm, khi nhiễm tác nhân gây bệnh tình trạng bệnh dễ trở nặng với các biến chứng, di chứng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bảo vệ phổi cho người cao tuổi
BS. Bạch Thị Chính cho biết, viêm phổi có thể do nhiều tác nhân, trong đó vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae và vi khuẩn Hib là 2 tác nhân phổ biến nhất của viêm phổi do vi khuẩn; virus cúm là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phổi do virus. Vi khuẩn phế cầu đặc biệt nguy hiểm với người trên 60 tuổi và người có bệnh nền như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Bình thường, vi khuẩn phế cầu và Hib cư trú ở đường hô hấp trên và không gây bệnh. Khi niêm mạc dẫn khí bị tổn thương sau một đợt viêm đường hô hấp trên kết hợp với miễn dịch suy giảm, những vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập và tấn công vào phổi, dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp hoặc gây ra viêm màng não, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Để bảo vệ phổi, cần phải phòng ngừa sự xâm nhập của các tác nhân nguy hiểm như vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib và virus cúm. Hiện có một số loại vaccine có thể phòng ngừa nguy cơ này tại Việt Nam như vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) ngừa phế cầu khuẩn gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn, đặc biệt ở người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu.
Vaccine cúm thế hệ mới và các vaccine như 5 trong 1, 6 trong 1, vaccine Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vaccine Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.
BS Chính khuyến cáo: "Sẽ rất khó để chúng ta sống trong một môi trường hoàn toàn không bị nhiễm khuẩn cũng như không tiếp xúc với người bệnh. Vaccine chính là phát minh để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh. Ngoài tiêm vaccine ngừa các bệnh hô hấp, mỗi người cần tăng sức đề kháng bằng cách uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và vận động thể thao".
Để giải đáp những thắc mắc của người dân về các bệnh hô hấp đang gia tăng hiện nay cũng như thông tin về các loại vaccine, lúc 20 giờ thứ 6 ngày 10/06/2022, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Vaccine phế cầu và các vaccine cần thiết cho trẻ em và người lớn giai đoạn giao mùa".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia như PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam, Trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; Ths.BS. Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM; BS. Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa VNVC.
Bạn đọc có thể đón xem và gửi các thắc mắc về chương trình tại đây.