Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuổi thọ người Việt tăng, sức khỏe được cải thiện nên có thể tiếp tục làm việc dài hơn. Các nước trên thế giới đều đang hướng tới tăng dần độ tuổi nghỉ hưu, nhiều nước quy định độ tuổi này từ 65-67 tuổi. Nhiều tính toán của các tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới đều kiến nghị Việt Nam cần tăng độ tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dài hạn. Trong khi đó, “Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây cũng là nội dung trong công ước CEDAW về không phân biệt đối xử”, ông Diệp cho hay. Ngoài ra, Việt Nam cần loại bỏ các phân biệt về giới vì với tuổi nghỉ hưu hiện nay, nữ đang chịu thiệt thòi hơn nam (nữ nghỉ hưu sớm hơn nam 5 tuổi) nên ảnh hưởng tới thu nhập, thăng tiến và tham gia các vị trí lãnh đạo. Đặc biệt, tăng tuổi nghỉ hưu có “tác động kép” tới quỹ hưu trí do người lao động tiếp làm việc sẽ tăng đóng vào quỹ, vừa giảm số năm chi trả lương hưu giúp giảm chi từ quỹ hưu trí. Đồng thời, người lao động tiếp tục làm việc vừa tăng thu nhập cho cá nhân và tiếp tục đóng thuế cho ngân sách nhà nước.
Như vậy, dự thảo luật đang đưa ra phương án độ tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng lại, nhưng về lâu dài, sẽ hướng tới tăng dần lên tuổi 65. Bộ LĐ-TB&XH vẫn còn phương án khác là cũng sẽ tính đến đặc trưng của từng ngành nghề. Tăng tuổi nghỉ hưu giữa các nhóm ngành sao cho mức chênh lệch không quá 5 năm. “Chúng ta vẫn công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà đến độ tuổi nào đó người lao động không còn phù hợp làm việc thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, những chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn. Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành trong việc đánh giá lao động chất lượng cao”, ông Diệp cho biết.
Trước những băn khoăn về tỉ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên hiện nay vẫn rất cao, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu có khả năng làm giảm cơ hội việc làm của nhóm này, ông Diệp cho rằng, dân số Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa, tốc độ già hóa dân số nhanh, số người rời khỏi lực lượng lao động xấp xỉ bằng số người bước vào độ tuổi lao động. Hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao, chính sách lao động đang chuyển dần từ sử dụng lao động sang phát triển theo chiều sâu. Đây là những yếu tố cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo bài toán cân đối, hài hòa lợi ích cho người lao động.
Cùng với đó, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây nhiều sức ép với khu vực công. Đơn vị đề xuất dự thảo cho rằng, khu vực nhà nước sẽ phải có nhiều thay đổi. Theo đó, nếu không có một cơ chế đánh giá năng lực cán bộ tốt, tăng tuổi nghỉ hưu có thể gia tăng gánh nặng cho khu vực nhà nước. Cụ thể, tiền lương và các khoản chi khác (bảo hiểm xã hội, y tế, đào tạo…) sẽ tăng, trong khi năng suất lao động giảm, do một bộ phận cán bộ có năng lực thấp, sức khỏe yếu, sức ỳ lớn vẫn tiếp tục ở lại trong hệ thống.
Về phần doanh nghiệp, tăng tuổi nghỉ hưu làm cho một số doanh nghiệp thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ năng động, sáng tạo. Điều này có thể tạo ra sự mất cân đối về lao động giữa các nhóm tuổi trong cơ quan, doanh nghiệp.
Cùng đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến số người đăng ký thất nghiệp hoặc trợ cấp ốm đau tăng, do nhiều người không thích nghi được, hoặc sức khỏe không đảm bảo sẽ phải nghỉ sớm. Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động sẽ không lớn, do những năm qua, sức khỏe và tuổi thọ người Việt đã được cải thiện.
Từ các đánh giá trên, không thể phủ nhận việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hết sức cần thiết ở thời điểm hiện tại, dù nó tiềm ẩn một số tác động nhất định. Do đó, cùng với tăng tuổi nghỉ hưu, cần một số giải pháp chính sách để giảm tác động như: tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận; có lộ trình tăng dần để giảm tác động tới tâm lý và thị trường lao động; cần có cơ chế đánh giá năng lực cán bộ khu vực nhà nước để loại bỏ những người có năng lực thấp...