Với quan niệm “rượu 138” (rượu ngâm thân, lá, rễ, quả cây thuốc phiện) là hàng độc, rất được ưa chuộng, uống rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt với sinh lý đàn ông, nhiều người đã vô tư mua bán, sản xuất loại rượu này. Đáng chú ý, thời gian gần đây, một số người còn lợi dụng mạng xã hội để bán cây, quả thuốc phiện, bất chấp đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Công khai rao bán cây, quả thuốc phiện
Nắm bắt được nhu cầu mua “rượu 138” ngày càng lớn, các “con buôn” bắt đầu sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, thậm chí đăng bán tại các chợ, các hội trên mạng. Tại các trang mạng cá nhân này, họ giao bán hết sức công khai, không chỉ rượu đã được ngâm với cây, quả thuốc phiện mà còn bán cả quả thuốc phiện còn tươi hoặc được phơi khô. Tìm hiểu tài khoản “Rượu 138” đăng tải hình ảnh khá bắt mắt là những bình rượu dung tích 5 lít, kèm theo đó là những lời quảng cáo, giới thiệu về loại cây thuốc phiện gồm có cả cây, quả còn tươi (đã cứa nhựa) lẫn phơi khô. Kèm theo đó là số điện thoại 01232148xxx để liên hệ. Giá cho mỗi bình “rượu 138” có dung tích 5 lít là 1,5 triệu đồng, còn cây và quả tươi có giá khoảng 1 triệu đồng/8 lạng. Chủ tài khoản “Rượu 138” này cho biết, chỉ cần để lại số điện thoại người bán sẽ trực tiếp liên hệ. Phương thức thanh toán cũng cực kỳ đơn giản, khi nhận hàng người mua mới phải thanh toán.
Một đối tượng vận chuyển cây thuốc phiện từ Lào về Việt Nam bị Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị bắt giữ.
Mới đây nhất, trên trang “chợ Cẩm Phả” xuất hiện tràn lan thông tin rao bán công khai cây và quả thuốc phiện với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg. Thậm chí người rao bán còn để lại cả số điện thoại kèm hình ảnh, thông tin chi tiết, cụ thể... Từ thông tin này, Công an TP. Cẩm Phả đã vào cuộc điều tra và bắt quả tang chủ một phòng khám y học cổ truyền trên địa tàng trữ cây và quả thuốc phiện. Cụ thể vào khoảng 9h00 sáng 11/4, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Triệu Quốc Thanh (SN 1981, ngụ phường Cẩm Thịnh) là chủ một phòng khám chẩn trị y học cổ truyền, để điều tra làm rõ về hành vi tàng trữ cây, quả thuốc phiện. Theo đó, cơ quan công an thu giữ tang vật gồm: 1,2kg thân, quả cây thuốc phiện và gần 10 triệu đồng tiền mặt. Tại cơ quan công an, Thanh khai nhận, do đã mua cây, quả thuốc phiện từ Sa Pa, Lào Cai về bán cho những ai có nhu cầu sử dụng. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an TP. Cẩm Phả, tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2017, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy quận 5, TP.HCM qua kiểm tra một cửa hàng dược liệu trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phát hiện và thu giữ hơn 1kg quả thuốc phiện. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cửa hàng cho biết đã mua hàng trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại với giá 450.000-500.000 đồng 100g.
“Rượu 138” được nhiều người rao bán công khai qua các trang mạng xã hội.
Hậu quả khó lường
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM), theo luật pháp hiện hành, hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép “quả cây thuốc phiện khô hoặc tươi” hoặc các chất ma túy thuộc danh mục “Các chất ma túy và tiền chất” là vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào trọng lượng quả thuốc phiện khô hay quả thuốc phiện tươi được quy đổi để xác định khung hình phạt. Kết luận của cơ quan giám định sẽ là cơ sở để xác định tổng trọng lượng chất ma túy từ tang vật là các bình rượu ngâm với cây, quả cây thuốc phiện, cây cần sa, từ đó làm cơ sở định khung hình phạt. Đối với những người sử dụng rượu ngâm quả thuốc phiện, nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy thì người này sẽ bị xử phạt hành chính.
Liên quan đến thực hư tác dụng của rượu ngâm cây, quả anh túc, theo GS.TS. Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, trong một số bài thuốc Đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây anh túc được chiết xuất thành thuốc phiện sẽ được dùng với số lượng rất nhỏ nhằm để phối hợp điều trị một số chứng bệnh. Còn đối với việc dùng thân, rễ, lá cây anh túc để ngâm rượu, ông Bình khẳng định, loại rượu này chẳng có tác dụng gì đặc biệt. Theo ông Bình, vẫn biết các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ khi đem ngâm với rượu chắc chắn không thể chữa khỏi các loại bệnh như những người bán thứ rượu này quảng cáo. Ông Bình cũng khuyến cáo, người sử dụng loại rượu ngâm anh túc hay bất kỳ loại rượu ngâm từ thảo mộc, có nguy cơ dễ bị ngộ độc cao nếu dùng quá liều lượng. Sẽ nguy hiểm hơn nếu những loại rượu đó được ngâm, tẩm chui, không được kiểm soát.
Rõ ràng, công dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý của loại rượu ngâm rễ, hoa quả, cây thuốc phiện qua những lời quảng cáo, đồn thổi là không có cơ sở, không có tính khoa học. Đặc biệt, việc lạm dụng loại rượu này sẽ tác động xấu đến sức khỏe, do vậy, trên tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mình, mọi người cần cảnh giác không tìm mua và sử dụng các loại rượu ngâm từ cây thuốc phiện để tránh phải cảnh “tiền mất, tật mang”.