Nguy cơ tử vong sớm do bệnh đái tháo đường ngày càng tăng
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Số người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng gấp 4 lần trong vòng 40 năm qua. Đây là căn bệnh không lây nhiễm lớn duy nhất có nguy cơ tử vong sớm tăng lên chứ không phải giảm xuống. Và một tỷ lệ cao bệnh nhân COVID-19 nặng bị đái tháo đường. Vì vậy, sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để phòng ngừa và điều trị đối với bệnh đái tháo đường là rõ ràng hơn bao giờ hết.
Hiệp định Đái tháo đường Toàn cầu sẽ giúp thúc đẩy cam kết hành động chính trị nhằm tăng khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của các loại thuốc cứu sống người bệnh bệnh đái tháo đường cũng như để phòng ngừa và chẩn đoán bệnh.
Đái tháo đường là căn bệnh không lây nhiễm lớn duy nhất có nguy cơ tử vong sớm tăng lên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Canada Patty Hajdu cho biết: Canada có một lịch sử đáng tự hào về nghiên cứu và đổi mới điều trị bệnh tiểu đường. Từ việc phát hiện ra insulin vào năm 1921 đến một trăm năm sau, chúng tôi tiếp tục làm việc để hỗ trợ những người sống chung với căn bệnh này. Nhưng chúng ta không thể một mình chống chọi với bệnh tiểu đường. Mỗi chúng ta phải chia sẻ kiến thức và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế để giúp những người mắc bệnh đái tháo đường sống lâu hơn, sống khỏe hơn ở Canada và trên toàn thế giới.
Cần hành động khẩn cấp để tăng khả năng tiếp cận insulin với giá cả phải chăng
Một trong những công việc cấp bách nhất là tăng cường khả năng tiếp cận với các công cụ chẩn đoán và thuốc điều trị, đặc biệt là insulin, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tăng tiếp cận insulin với giá cả phải chăng.
Việc triển khai chương trình “thử nghiệm sơ tuyển insulin” của WHO vào năm 2019 là một bước quan trọng. Hiện tại, thị trường insulin do ba công ty thống lĩnh. Việc sơ tuyển insulin được sản xuất bởi nhiều nhà sản xuất hơn có thể giúp tăng cường cung cấp insulin đảm bảo chất lượng cho các quốc gia hiện đang không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, các cuộc thảo luận cũng đang được tiến hành với các nhà sản xuất insulin và các loại thuốc chữa bệnh đái tháo đường khác và các công cụ chẩn đoán về các giải pháp có thể giúp đáp ứng nhu cầu ở mức giá mà các quốc gia có thể mua được.
Insulin không phải là mặt hàng khan hiếm duy nhất. Nhiều người cũng phải vật lộn để có được và đủ tiền mua máy đo đường huyết và que thử.
Ngoài ra, khoảng một nửa số người lớn mắc bệnh đái tháo đường loại 2 vẫn chưa được chẩn đoán và 50% số người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 không nhận được insulin cần thiết, khiến họ có nguy cơ bị suy nhược và các biến chứng không thể phục hồi như chết sớm, cắt cụt chi và giảm thị lực.
Đổi mới sẽ là một trong những thành phần cốt lõi của Hiệp định, với trọng tâm là phát triển và đánh giá các công nghệ chi phí thấp và các giải pháp kỹ thuật số để chăm sóc bệnh tiểu đường.
Các mục tiêu toàn cầu cần được thống nhất
Hiệp ước cũng sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tiến trình bằng cách đặt ra các mục tiêu bao phủ toàn cầu cho việc chăm sóc bệnh tiểu đường.
"Thẻ giá toàn cầu" sẽ định lượng chi phí và lợi ích của việc đạt được những mục tiêu mới này. Hiệp ước cũng sẽ ủng hộ việc thực hiện cam kết của các chính phủ về việc đưa phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường vào chăm sóc sức khỏe ban đầu và như một phần của các gói bảo hiểm y tế toàn dân.
Mục tiêu chính của Hiệp định Đái tháo đường Toàn cầu là đoàn kết các bên liên quan chính từ khu vực công và tư nhân, đặc biệt là những người sống chung với bệnh đái tháo đường, xung quanh một chương trình nghị sự chung, để tạo ra động lực mới và đồng sáng tạo các giải pháp.
Cách tiếp cận“ tất cả cùng chung tay” phản ứng đối với COVID-19 đang cho chúng ta thấy những gì có thể đạt được khi các lĩnh vực khác nhau phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp cho một vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách.