Tăng tốc giải ngân các Chương trình MTQG để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

11-08-2023 09:07 | Xã hội

SKĐS - Các địa phương đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023.

Chiều ngày 10/8, tại Yên Bái, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ như: Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị.

Tăng tốc giải ngân các Chương trình MTQG để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc Hội nghị.

Các địa phương quyết liệt triển khai nội dung các Chương trình MTQG

Theo báo cáo giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương giao trên 47 nghìn tỷ đồng tổng vốn đầu tư công cho các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc để thực hiện 3 chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đến nay các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương. Riêng năm 2023, vốn ngân sách Trung ương là trên 22.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 11.534 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 10.945 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bổ trên 11.200 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt tỷ lệ 97,8%. 14/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG với tổng số vốn trên 2.383 tỷ đồng.

14/14 địa phương đã thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình MTQG. Trong đó, Yên Bái đạt 100%; Lào Cai, Hà Giang cũng thuộc nhóm đứng đầu với tỷ lệ giải ngân trên 65%.

Các địa phương đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của các chương trình MTQG năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023. 100% địa phương trong vùng vượt tỷ lệ giảm nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt 25,69%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 17,35%; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 3,61%...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương tập trung thảo luận nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc 3 Chương trình MTQG. Từ đó, kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương cũng như Chính phủ để có tháo gỡ kịp thời nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân các chương trình.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các tỉnh tham gia, đóng góp ý kiến đối với nội dung bổ sung vào dự thảo Luật đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào DTTS.

Còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương đều đánh giá, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương rất quyết liệt trong việc nhận diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG, nhất là sau khi ban hành Nghị định số 38 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27.

Tuy nhiên, các địa phương phản ánh còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, trong đó có một số nội dung chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; một số chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử, tỷ lệ giảm nghèo chưa phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Một số vấn đề quan trọng cũng được nhiều địa phương nêu ý kiến như: lượng vốn phân bổ còn phân tán, trong khi đòi hỏi vốn đối ứng lớn, nếu không huy động được dễ gây lãng phí; có tình trạng vốn chờ công trình. Còn nhiều vướng mắc trong việc huy động và giải ngân vốn sự nghiệp; mất nhiều thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.

Ngoài ra, việc phân bổ vốn đến từng dự án hạn chế sự linh hoạt của địa phương trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư. Có nhiều dự án quy mô nhỏ, phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục dễ dẫn đến rủi ro về pháp lý, nên một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt triển khai…

Các địa phương kiến nghị Trung ương sớm thông báo vốn sự nghiệp giai đoạn 2024 - 2025, đồng thời phân bổ vốn ngân sách Trung ương hằng năm sớm để các địa phương có thể phân bổ trước ngày 31/12.

Tại Hội nghị, lãnh đạo 3 Bộ, ngành chủ quản 3 Chương trình MTQG trực tiếp giải đáp những vướng mắc, khó khăn của các địa phương đồng thời cập nhật tiến độ sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT và các văn bản hướng dẫn liên quan đến 3 Chương trình MTQG.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các địa phương để sửa Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, nhưng mới chỉ có 14 địa phương, trong đó có 6 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ và 2/23 Bộ, ngành gửi văn bản góp ý.

Đối với Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình MTQG để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực; nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn, báo cáo Quốc hội khi tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về 3 Chương trình MTQG tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, đến nay mới chỉ có 16 địa phương có văn bản kiến nghị điều chỉnh theo các nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết 100/2023/QH15.

Tăng tốc giải ngân các Chương trình MTQG để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm- Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.

Phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn được phân bổ năm 2023

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, 14 địa phương trong vùng được phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương chiếm gần 50% của cả nước, do đó tiến độ giải ngân của vùng sẽ có tác động rất lớn đến tiến độ giải ngân chung của cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương phải giải ngân toàn bộ số vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023, phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn được phân bổ năm 2023; chắt chiu từng đồng vốn, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; việc lồng ghép vốn phải rạch ròi, minh bạch để thuận lợi cho việc quyết toán khi hoàn thành các dự án đầu tư.

Địa phương nào còn nợ văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền phải sớm hoàn tất ban hành; tìm hiểu kỹ những quy định mới ban hành, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn để khi ban hành có thể thực hiện được ngay.

Theo Phó Thủ tướng, các địa phương có thể thành lập các tổ công tác gồm những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu pháp lý để đi các dự án, vừa hướng dẫn, vừa đôn đốc, giám sát đẩy nhanh quá trình thực hiện; tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chủ quản chương trình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong 3 Chương trình MTQG. Đây là lần đầu tiên có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Việc phê duyệt triển khai Chương trình khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chỉ tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 - 2025), Chương trình được bố trí từ ngân sách Nhà nước là gần 115 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 10 dự án có tính phổ quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Tuy nhiên, với quy mô rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng, bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn vùng DTTS và miền núi nên trong quá trình triển khai thực tiễn đã phát sinh khó khăn, vướng mắc cần tìm ra những giải pháp tháo gỡ để thực hiện hiệu quả trong giai đoạn 2023 - 2025.

Do đó, từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức các Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình ở 3 khu vực để kịp thời phối hợp với các địa phương xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời rà soát, đánh giá tổng thể đối với các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, làm cơ sở cho việc tham mưu điều chỉnh nội dung, nguồn lực, địa bàn và xác định các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu toàn quốc của Chương trình đã được phê duyệt.

Tại các hội nghị sơ kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh ghi nhận tất cả những ý kiến của các địa phương về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để cùng các Bộ, ngành thống nhất và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung phù hợp để triển khai Chương trình nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Rà soát, điều chỉnh Chương trình MTQG để đồng bào DTTS được hưởng các chính sách phù hợpRà soát, điều chỉnh Chương trình MTQG để đồng bào DTTS được hưởng các chính sách phù hợp

SKĐS - Ngày 3/7, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2024-2025 khu vực phía Nam.

Xem thêm video đang được quan tâm

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý ở Hà Giang


Hùng Anh
Ý kiến của bạn