Dịch bệnh kéo giảm đà tăng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng
Do tác động của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… đã ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH&DVTD) chung của cả nước (TMBLHH&DVTD của các địa phương này chiếm tỷ trọng khoảng 50 - 60% TMBLHH&DVTD của cả nước).
Nhiều địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chị thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch COVID-19, các hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, xúc tiến thương mại… bị hạn chế. Doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu chủ yếu chỉ tập trung vào các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.
Vì vậy, 9 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,54% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 279,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, giảm 22,14% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,63 nghìn tỷ đồng, giảm 63,95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 303,97 nghìn tỷ đồng, giảm 19,37% so với cùng kỳ năm trước.
Sau thời gian dài bị tác động của đại dịch COVID-19, sức mua của thị trường nội địa giảm sút chưa từng thấy, người tiêu dùng đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, chất lượng và uy tín chính là "giấy thông hành" để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường. "Thị trường nội địa là cứu cánh cho tất cả các doanh nghiệp, doanh nghiệp phải xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là chuỗi cung ứng. Như vậy, có thời gian chuẩn bị để quay trở lại thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ củng cố lại sản phẩm của mình".
Đồng tình với giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
"Trước mắt phải thiết lập nhiều chuỗi phân phối sản xuất, phân chia lợi nhuận, quản lý chất lượng và thành lập các hệ thống dự trữ chiến lược về hàng hóa thiết yếu. Một vấn đề nữa, tăng cường quản lý chất lượng trong chuỗi giá trị, xây dựng các kho dự trữ chiến lược giảm các chi phí logistic vận chuyển. Chúng ta phải làm công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổ chức tốt hệ thống phân phối làm cho siêu thị phát triển văn minh, làm ăn tử tế, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị, hợp lý công bằng mang tính chia sẻ, nhân văn..." - ông Phú nhấn mạnh
Thúc đẩy tăng trưởng thế nào?
Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3-4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.
Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia".
Tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.
Mới đây, tại Hội nghị "Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu.
Theo Dự thảo, để kích cầu nội địa, Chính phủ dự kiến giao Bộ Công Thương xây dựng chương trình quốc gia về kích cầu nội địa thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ DN phân phối các mặt hàng thiết yếu, các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…; vận động, tuyên truyền, phổ biến trên diện rộng chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa hình thức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu quốc gia…
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất giao Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính có những giải pháp để hỗ trợ thị trường cho DN, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, một số ý kiến đề xuất trong Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 đang được xây dựng, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư cả khu vực công và tư; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho DN…
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nâng cao chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc xây dựng thương hiệu để giữ vững thị trường, đây cũng là dịp để hàng Việt khẳng định được vị thế, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19