Gần đây, trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, mẹ tôi phát hiện tiểu cầu tăng chưa rõ nguyên nhân và phải nhập viện điều trị. Xin hỏi, có thể phòng ngừa được hiện tượng này không?
Lê Văn Sơn (Quảng Nam)
Tăng tiểu cầu là tình trạng tiểu cầu trong máu vượt quá mức cho phép (bình thường, trong mỗi microlit máu có khoảng 150.000 - 450.000 tiểu cầu). Tăng tiểu cầu không rõ nguyên nhân hay tăng tiểu cầu nguyên phát xảy ra khi các tế bào bị lỗi trong tủy xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu. Tăng tiểu cầu nguyên phát được khẳng định sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, phết máu ngoại biên, xét nghiệm tủy xương và loại trừ các nguyên nhân gây tăng tiểu cầu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở độ tuổi từ 50 - 70 với các triệu chứng ở mức độ nhẹ hay không có triệu chứng. Các triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến huyết khối và xuất huyết. Đó là cảm giác yếu mệt, chảy máu, nhức đầu, tê bàn tay và bàn chân. Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất của tăng tiểu cầu nguyên phát là hình thành cục máu đông ở các vị trí khác nhau, nếu ở não có thể gây đột qụy trong những trường hợp nghiêm trọng. Điều trị bệnh lý này có thể sử dụng thuốc giảm tiểu cầu hoặc thủ thuật y tế (lọc bỏ tiểu cầu) nhưng cho đến nay, khoa học vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn được tăng tiểu cầu nguyên phát nên người bệnh phải chung sống với bệnh suốt đời. Tuy nhiên, người mắc bệnh này có thể thực hiện một số phương pháp để giảm nguy cơ đông máu và các vấn đề liên quan như đi khám bệnh thường xuyên, uống thuốc đúng quy định, ngừng hút thuốc lá, kiểm soát các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông (tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường…), theo dõi những dấu hiệu của huyết khối, chảy máu và báo ngay cho bác sĩ điều trị.
BS. Lê Ngọc Liên