1. Tổng quan bệnh tăng tiết mồ hôi.
Mồ hôi được sản xuất bởi tuyến mồ hôi nằm ở lớp hạ bì của da. Nó có vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Tuyến mồ hôi có mặt ở khắp nơi trên da cơ thể, nhưng tập trung nhiều nhất chủ yếu ở một số vùng như lòng bàn tay, bàn chân, nách, trán…
Bệnh tăng tiết mồ hôi là tình trạng cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi so với bình thường mà không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như thể dục hoặc nơi có nhiệt độ cao.
Sự điều hòa hoạt động của tuyến mồ hôi do hệ thần kinh thực vật điều hòa, trong đó kích thích giao cảm gây tăng tiết mồ hôi. Tùy vào nguyên nhân mà chia thành hai nhóm tăng tiết mồ hôi.
- Tăng tiết mồ hôi hay gặp nhất là tăng tiết mồ hôi nguyên phát (Hyperhidrosis). Là tình trạng tăng tiết mồ hôi mà cơ chế, nguyên nhân chưa được rõ ràng, vị trí ra nhiều hay gặp là lòng bàn tay, bàn chân, nách, mặt hoặc phối hợp các vị trí trên.
- Tăng tiết mồ hôi thứ phát là tình trạng mồ hôi ra nhiều do các nguyên nhân khác: hay gặp khi sử dụng các thuốc chủ vận dopamin, thuốc ức chế tái hấp thu secrotonin có chọn lọc, thuốc chống loạn thần, insulin…; các bệnh lý rối loạn toàn thân như đái tháo đường, cường giáp, Parkinson, rồi loạn thần kinh khác, các u lympho, u tủy thượng thận… Có đặc điểm là tăng tiết mồ hôi toàn thân.
2. Triệu chứng/dấu hiệu bệnh tăng tiết mồ hôi.
Khi nói đến bệnh tăng tiết mồ hôi (Hyperhidrosis) ta hiểu là tăng tiết mồ hôi tiên phát. Bệnh có các triệu chứng, đặc điểm như sau:
- Bệnh nhân đến khám sẽ thấy 2 bàn tay lạnh, nhợt và ẩm ướt, trường hợp nặng tấy ướt đẫm chảy thành giọt. Nhiều trường hợp có tình trạng khô da, viêm da, bong da do ra mồ hôi nhiều liên tục…
- Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em (7-8 tuổi) hoặc vị thành niên, bệnh nặng lên khi hoạt động thái quá, ăn đồ cay nóng, tâm lý lo lắng, tập trung hoặc hồi hộp…
- Bệnh đối xứng ở cả 2 bên, mức độ ra ở bên phải và bên trái giống nhau. Thường hay tăng tiết mồ hôi ở tay, chân, nách hoặc kết hợp với các ví trí trên với nhau…
- Trạng thái thư giãn hoàn toàn (lúc ngủ) bệnh nhân không bị tăng tiết mồ hôi.
- Mức độ bệnh khác nhau từ độ I đến IV theo phân độ KRASNA.
Độ I | Độ II | Độ III | Độ IV | |
Độ ẩm ướt | Tăng nhẹ | Ướt | Đẫm nước | Nước nhỏ giọt |
Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống | Bình thường | Khó chịu | Suy nhược | Sợ tiếp xúc với xã hội |
- Bệnh không tự khỏi nếu không được điều trị. Tùy vào mức độ bệnh gây ảnh hưởng đến học tập, công việc, giao tiếp xã hội… Gây ra vấn đề về tâm lý xã hội và nghề nghiệp.
3. Bệnh tăng tiết mồ hôi có lây nhiễm không?
Bệnh tăng tiết mồ hôi không phải là bệnh lý lây nhiễm, việc tiếp xúc với người bị tăng tiết mồ hôi không là người tiếp xúc mắc bệnh.
Tuy nhiên bệnh có yếu tố tiền sử gia đình, một số tác giả cho rằng có yếu tố di truyền trong bệnh tăng tiết mồ hôi. Có khi bệnh xuất hiện ở bố, mẹ, anh, em, nhất là anh chi em sinh đôi, tuy nhiên số này không nhiều và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các yếu tố di truyền được cho là có vai trò quan trọng trong việc kích thích thần kinh quá mức…
4. Cách phòng bệnh tăng tiết mồ hôi.
Bệnh tăng tiết mồ hôi nguyên phát là bệnh lý chưa có cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân rõ ràng do đó không có biện pháp phòng bệnh cụ thể. Tuy nhiên với các trường hợp bị tăng tiết mồ hôi tay chân, có thể thực hiện một số biện pháp để làm giảm mức độ tiết mồ hôi, hoặc giảm quá trình nặng lên của bệnh:
- Tránh làm việc trong môi trường nóng.
- Tránh các đồ ăn cay nóng, các thức ăn, uống gây kích thích thần kinh như cà phê, rượu, thuốc lá…
- Sinh hoạt và nghỉ ngơi có khoa học, tránh các hoạt động căng thẳng, kích thích thần kinh hoặc sự tập trung cao độ.
5. Cách điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi.
Điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi tay có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ yêu chia thành 3 nhóm điều trị:
Điều trị nội khoa
+ Điều trị tại chỗ bằng nhôm clorua hexahydrat 20%, glutaraldehyde hoặc glycopyrronium, tiêm botox (botulinum toxin nhóm A hoặc B)…
+ Điều trị thuốc uống bằng thuốc chẹn calci, ức chế anhydrase carbonic hoặc clonidine
+ Cannabidiol (chiết xuất từ cây cần sa) cũng cho thấy hiệu quả trong cải thiện triệu chứng tăng tiết mồ hôi, tuy nhiên nhiều nước chưa cho phép sử dụng.
Điều trị can thiệp ít xâm lấn
Là việc sử dụng các biện pháp can thiệp vào lòng bàn tay gây bít tắc đường thoát mồ hôi hoặc ức chế các synap thần kinh từ thần kinh giao cảm đến thần kinh chi phối hoạt động tuyến mồ hôi. Các biện pháp hay sử dụng gồm: điện di ion (Iontophoresis), sử dụng công nghệ laser, siêu âm hội tụ, nhiệt phân vi sóng, tần số vô tuyến Microneedle phân đoạn…
Điều trị ngoại khoa
Là phương pháp phẫu thuật, cắt hoặc đốt hạch thần kinh giao cảm ngực, áp dụng đối với các bệnh nhân có bàn tay, chân ẩm ướt, đẫm nước hoặc nhỏ giọt gây ảnh hưởng đến học tập, công việc hoặc giao tiếp xã hội. Hiện nay phương pháp hay dùng nhất là phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm ngực, là phương pháp điều trị hiệu quả và triệt để…