Khoảng 30 triệu người bị tác động bởi việc hút thuốc lá thụ động
Tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý và triển khai hoạt động hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá vừa tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc) và có 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. “Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người bị tác động bởi việc hút thuốc lá thụ động”- ông Khuê nhấn mạnh. Theo các chuyên gia, khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện đặc biệt là nicotine. Khi bị hít vào phổi thì khói thuốc làm giảm hệ thống miễn dịch và gây viêm đường hô hấp. Khói thuốc cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo thông tin từ Văn phòng Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Với những tác hại to lớn về mặt sức khỏe, thuốc lá được xếp vào nhóm sản phẩm hạn chế tiêu dùng. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế đối với thuốc lá là biện pháp hữu hiệu giảm tiêu dùng thuốc lá và mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội.
Ở nước ta, mức thuế hiện hành với thuốc lá chỉ ở mức 65% trên giá xuất xưởng (tương đương với 41,6% giá bán lẻ) và đã được duy trì cố định suốt 6 năm kể từ lần tăng thuế cuối cùng vào năm 2008. Mức thuế này khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Và theo kinh nghiệm của lần tăng thuế trước, mức tăng thuế 10% của năm 2008 đã không làm giảm được tiêu dùng thuốc lá trong dài hạn. Do đó, Bộ Y tế đã đề xuất, để đạt được mục tiêu Chiến lược Quốc gia về phòng chống thuốc lá đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đó là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020, thì thuế thuốc lá cần được tăng mạnh từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018.
Thuế thuốc lá hiện hành của Việt Nam quá thấp
Do đó, tại buổi thảo luận về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây nhiều đại biểu Quốc hội nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá từ ngày 1/1/2016 từ 65% lên 70% và từ 1/1 /2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%.
Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (T.P Hồ Chí Minh) cho rằng thuế thuốc lá hiện chỉ 41% là rất thấp so với khu vực. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam lọt top 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Việc mỗi năm lại có hàng triệu bao thuốc nhập lậu được phát hiện cũng làm tăng nguy cơ nêu trên. “Vì vậy cần phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cùng với đó là kiểm soát tốt buôn lậu, vấn đề khiến ngân sách thất thoát khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm”, đại biểu Thùy Trang đề nghị.
Cũng ở đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần tăng thuế thuốc lá lên 200% nhằm bảo vệ sức khoẻ, giảm tiêu dùng. Theo đại biểu Trần Du Lịch, việc này không nhằm tăng thu ngân sách. Dẫn số liệu từ hiệp hội Thuốc lá, ông Lịch cho biết sau khi in hình cảnh báo trên bao thuốc, riêng thuốc nội địa giảm 20% nhưng thuốc lá nhập lậu lại tràn lan thị trường dù tác hại vô cùng lớn. Vì vậy tăng thuế này phải có đề án chống nhập lậu hiệu quả. Theo đại biểu Trần Du Lịch, tăng thuế phải đi kèm theo 1 đề án chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả thì mới có tác dụng.
Đại biểu Trần Quảng Chiều (Nam Định) cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp “hướng dẫn tiêu dùng”. “Như ở Pháp, 3 năm tăng thuế thuốc lá 4 lần, một gói thuốc cả trăm ngàn, Việt Nam hầu như không có gói thuốc nào trên 50.000 đồng”, ông Chiểu dẫn chứng. Theo đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh), việc điều chỉnh thuế TTĐB thuốc lá phải hướng đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần hướng dẫn và định hướng tiêu dùng chứ không chỉ vì để tăng ngân sách.