Hà Nội

Tăng thuế thuốc lá: Kinh nghiệm từ các nước

29-11-2014 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Các nước trên thế giới đã giải quyết những xung đột giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe ra sao để đạt được một mức tăng thuế thuốc lá hợp lý, được các bên chấp thuận, được người tiêu dùng ủng hộ?

Kinh nghiệm Thái Lan: Tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng đến công nghiệp thuốc lá

Có thể lấy trường hợp tăng thuế thuốc lá tại Thái Lan làm “bài học kinh nghiệm”. Theo đó, từ năm 1994 đến 2012, chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (mức thuế 85% của Thái Lan tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của VN).

Việc tăng thuế thuốc lá ở Thái Lan khiến giá thuốc lá tại quốc gia này tăng từ 15 Bath/bao lên 65 Bath/bao, làm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59,33% năm 1991 xuống còn 41,69% vào năm 2011.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Ảnh  báo LĐO

Với nữ giới, tỉ lệ hút thuốc sau tăng thuế thuốc lá giảm từ 4,95% năm 1991 xuống còn 2,14% năm 2011; số thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc giảm đáng kể.

Việc tăng thuế đã giúp nguồn thu ngân sách từ thuế tăng đáng kể (từ 20 tỷ Bath – gần 616 triệu USD - năm 1994 lên 60 tỷ Baht năm 2012 – tức 1.843.170 triệu USD), tiêu dùng thuốc lá giữ nguyên (khoảng 2 tỷ bao/năm do dân số tăng), hàng trăm ngàn người tránh được tử vong sớm, không làm gia tăng buôn lậu thuốc lá.

Bài học kinh nghiệm của Thái Lan là tăng thuế thuốc lá thường xuyên được chứng minh là chính sách cùng thắng (Win-Win) và không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thuốc lá.

Philipines: Thêm nhiều hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế nhờ tăng thuế thuốc lá

Còn tại Philipines,  năm 2014, Chính phủ Philipines tiến hành cải cách chính sách thuế với mức thuế tăng từ  100%-300% so với năm 2013. Hiện nay mức thuế trên giá bán lẻ của Philipines là 53%. Sản lượng thuốc lá hiện nay của Philipines là 5,110 triệu bao/năm; Thu ngân sách từ thuế là 2,498 triệu USD/năm.Nhờ có cải cách thuế, ngân sách dành cho y tế năm 2014 tăng 57% so với năm 2013. Số tiền này giúp số hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế tăng từ 5,2 triệu hộ lên 14,7 triệu hộ.

Kinh nghiệm của Brazil: Tăng thuế thuốc lá làm tăng tỷ lệ người trưởng thành bỏ hút thuốc lá

Tại Brazil, từ năm 2006 tới năm 2013, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mỗi bao thuốc lá tăng 116%, giá thuốc lá thực trung bình tăng 74%. Trong giai đoạn này, doanh số bán thuốc lá trong nước giảm 32%, tuy nhiên doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 48%, và doanh thu của Chính phủ từ các loại thuế thuốc lá tăng từ 3,5 tỷ Reais lên 5,1 tỷ Reais.

Năm 2006, Brazil có 15,7% dân số người trưởng thành hút thuốc lá. Sau khi tăng thuế, đến năm 2013 với mức 116% như trên thì tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc chỉ còn 11,3% - giảm hơn ¼ tỷ lệ hút thuốc.

Khi đề xuất tăng giá, Brazil cũng vấp phải sự phản đối của ngành công nghiệp thuốc lá bằng cách viện dẫn tỉ lệ buôn lậu cao (27-30%) là lý do để không tăng thuế thuốc lá, cho rằng thuế tăng sẽ làm tăng sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu, làm tăng buôn lậu.

Tuy nhiên, chiến lược giá của ngành công nghiệp thuốc lá ở Brazil lại không nhất quán với viện dẫn này, bởi vào những năm 2.000, khi thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, ngành công nghiệp thuốc lá giữ nguyên giá bán thuốc lá. Đến 2009, khi tăng thuế thuốc lá lần 2, ngành công nghiệp thuốc lá tăng giá thuốc lá cao hơn mức tăng thuế, cho thấy công nghiệp thuốc lá ít lo ngại về tăng chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu

Tại Việt Nam: tăng thuế thuốc lá mang  lại những lợi ích gì?

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thuế trên giá bán lẻ ở mức 42% của Việt Nam là mức thuế thấp thứ 9 trong khu vực Đông Nam Á và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp đang có mức 80%, Đức 73% và Australia là 60%.

Tại Thái Lan trung bình cứ 1 năm rưỡi lại tăng 1 lần thuế đối với thuốc lá. Nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt hiện ở mức gần 2 triệu USD mỗi năm. Nguồn thu này nhiều gấp đôi nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Chánh văn phòng phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia cho biết: “Việc tăng thuế thuốc lá đã được Tổ chức y tế thế giới và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho là một trong những giải pháp cần thiết, hữu hiệu và chiếm khoảng 5% trong thành công của các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá".

Khảo sát ở một số quốc gia cho thấy, nếu tăng thuế ở mức giá thực của thuốc lá lên 10% có thể khiến 40 triệu người hút thuốc lá từ bỏ thuốc và ngăn ngừa ít nhất 10 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá. Theo tính toán của các chuyên gia, tăng thuế là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết nhất để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 

 


Ý kiến của bạn