Giọng anh chậm lại: "Gần như ai cũng có tiền sử hút thuốc, nhiều người bắt đầu từ năm 15–16 tuổi. Ngày ấy thuốc lá sẵn quá, rẻ quá, và thanh niên thì học nhau, đứa nào cũng hút. Để rồi 30 năm sau, trả giá!".
Là một người nghiên cứu kinh tế, tôi từng nghĩ vấn đề thuốc lá chủ yếu là bài toán tài khóa: thu được bao nhiêu từ thuế, chi bao nhiêu cho y tế. Nhưng những câu chuyện như vậy nhắc tôi rằng, phía sau các con số ấy là con người – là sự mất mát không thể đo đếm, là gánh nặng không thể phân bổ vào một dòng ngân sách cụ thể. Và rồi khi theo dõi tiến trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi nhận ra: nếu có chính sách nào cần được thúc đẩy nhanh, mạnh, và dứt khoát, thì đó chính là chính sách thuế thuốc lá.
Số tiền chi ra do gánh nặng thuốc lá gây ra cao gấp hơn 5 lần so với những gì thuốc lá đóng góp
Theo ước tính của Bộ Y tế và WHO (2024), mỗi năm Việt Nam có hơn 103.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá – tức trung bình khoảng 285 người mỗi ngày. Đó là những con số "âm thầm", không gây giật gân như một cơn dịch, nhưng lâu dài lại để lại hậu quả xã hội khôn lường.
Chi phí điều trị, mất năng suất lao động, và gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm y tế do thuốc lá gây ra ước tính khoảng 108.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm hơn 1,1% GDP. Trong khi đó, tổng thu ngân sách từ thuế thuốc lá chỉ đạt khoảng 20.000–22.000 tỷ đồng/năm. Nghĩa là, chúng ta chi ra gấp hơn năm lần so với những gì thuốc lá đóng góp.

Những tác hại khôn lường với sức khỏe mà thuốc lá gây ra.
Sẽ có người phản bác rằng "thuốc lá không phải nguyên nhân duy nhất của ung thư hay bệnh phổi". Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là: không quốc gia nào có thể xây dựng một hệ thống y tế bền vững nếu hàng triệu người dân tiếp tục tiêu dùng một sản phẩm rẻ, gây nghiện và được chứng minh là độc hại như thuốc lá.
Hiện nay, giá bán một bao thuốc phổ biến tại Việt Nam chỉ từ 12.000 đến 25.000 đồng – tức chỉ bằng 1/4 đến 1/5 so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hệ quả là, việc hút thuốc trở thành thói quen phổ biến đến mức… bình thường hóa. Người hút cảm thấy mình không làm gì sai. Người không hút thì dần quen với việc sống trong khói thuốc. Điều nghịch lý là nếu so với thời mà anh bạn bác sĩ của tôi nói rằng "thuốc lá sẵn quá, rẻ quá, nên thanh niên ai cũng hút" thì sau 30 năm, thuốc lá còn sẵn hơn và rẻ hơn nữa.
Giá rẻ là lý do đầu tiên – và cũng là lý do dễ bị lãng quên nhất – khiến tỷ lệ hút thuốc ở nam giới Việt Nam duy trì ở mức cao: gần 43% người trưởng thành, cao hơn hầu hết các nước Đông Á khác. Nếu thuốc lá vẫn là một món hàng dễ tiếp cận, thì không có chiến dịch truyền thông nào đủ sức xoay chuyển thói quen.
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tăng mạnh giá thuốc thường sẽ tạo ra cú sốc về giá, khiến nhiều người bỏ thuốc, giúp họ có động cơ và có lý do mạnh mẽ để làm điều đó. Trong nhiều trường hợp, họ đã có sẵn mong muốn bỏ thuốc rồi và chỉ cần có một lý do hợp lý. Trái lại, nếu giá thuốc chỉ tăng từ từ, người tiêu dùng sẽ có xu hướng thích ứng với nó và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng thói quen có hại cho sức khỏe, và với số tiền bỏ ra cho nó ngày càng nhiều hơn.
Ở đây câu hỏi đặt ra không phải là "có nên tăng thuế không", mà là "chúng ta có đủ quyết tâm để chọn phương án hiệu quả nhất không?"
Tăng thuế thuốc lá ảnh hưởng gì đến người dân, doanh nghiệp?
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện đang đề xuất hai phương án áp dụng thuế hỗn hợp cho thuốc lá – kết hợp thuế tỷ lệ (hiện ở mức 75%) và thuế tuyệt đối (tính theo số lượng bao thuốc). Trong đó:
• Phương án 1: bắt đầu thu 2.000 đồng/bao từ 2026, tăng dần mỗi năm đến 10.000 đồng/bao vào 2030.
• Phương án 2: bắt đầu thu 5.000 đồng/bao từ 2026, và cũng tăng đến 10.000 đồng/bao vào 2030.
Một số chuyên gia độc lập còn đề xuất phương án 3: bắt đầu từ 5.000 đồng và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030 – mức được coi là đủ mạnh để thay đổi hành vi tiêu dùng. Đây cũng là phương án được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là phù hợp.
Theo mô hình mô phỏng của WHO (TAXSiM), nếu thực hiện phương án 2, Việt Nam có thể giảm được khoảng 2,9 điểm phần trăm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, đồng thời thu thêm khoảng 21.800 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách.

Lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá.
Với phương án 3, số thu có thể lên đến 29.000 tỷ đồng/năm, và số người hút thuốc giảm mạnh hơn nữa.
Với bất kỳ chính sách nào, sẽ luôn có những mối lo và tăng thuế thuốc lá cũng vậy. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu khi tăng thuế thuốc lá thì việc buôn lậu thuốc lá có tăng? Doanh nghiệp có chịu ảnh hưởng không? Người nghèo có bị thiệt?...
Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy: tăng thuế không đồng nghĩa với tăng buôn lậu. Tại Anh, khi áp dụng mức thuế cao, tỷ lệ thuốc lá lậu ban đầu tăng nhẹ nhưng sau đó giảm mạnh nhờ các biện pháp quản lý quyết liệt: tăng phạt, kiểm soát biên giới, tem điện tử. Ngược lại, ở những nước có thuế thấp nhưng năng lực kiểm soát yếu, buôn lậu vẫn tồn tại.
Về doanh nghiệp, tôi không nghĩ các công ty thuốc lá – với thị phần lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ – sẽ lâm vào khủng hoảng vì một lộ trình thuế được báo trước 5 năm. Họ có đủ thời gian để điều chỉnh giá bán, tái cấu trúc sản phẩm, hoặc thậm chí – trong dài hạn – chuyển hướng đầu tư.
Còn người thu nhập thấp? Thực tế là, đây chính là nhóm được bảo vệ nhiều nhất bởi chính sách tăng giá. Vì chi tiêu cho thuốc lá chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập của họ, nên khi giá tăng, họ sẽ có động lực mạnh mẽ để giảm hoặc bỏ thuốc. Số tiền tiết kiệm ấy có thể được dùng cho thực phẩm, giáo dục, y tế – những điều thiết thực hơn nhiều. Về lâu dài, những khoản thu nhập và các chi phí y tế được tiết kiệm nhờ súc khỏe tốt hơn khi họ bỏ thuốc lá hay giảm mạnh tiêu dùng thuốc lá sẽ lớn hơn nhiều các chi phí ngắn hạn từ giá thuốc tăng.
Về toàn thể xã hội, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí sức khỏe cho người dân, bao gồm cả những chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người chịu tác động gián tiếp từ thuốc lá: những người không hút thuốc nhưng bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do khói thuốc.
Còn có một luận điểm khác của những người ủng hộ phương án 1, (tức là chỉ tăng nhẹ thuế và giãn lộ trình tăng thuế), cho rằng phương án này giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong các năm tới, tôi cho rằng hoàn toàn nhầm lẫn.
Trong tất cả các mô hình lý thuyết cũng như thực tiễn tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thì vốn con người và năng suất lao động luôn có tính chất quyết định. Và trong vốn con người thì sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động luôn là yếu tố then chốt. Để có thể có tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam cần có một lực lượng lao động khỏe mạnh, có năng suất lao động cao, và để làm được điều đó, việc giảm nhanh số người hút thuốc lá là điều kiện tiên quyết cần làm.
Ở điểm này, tôi rất nhất trí với ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm trong Thông báo 176-TB/VPTW ngày 25/4/2025 đánh giá kết quả về chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới, trong đó ông nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hóa lành mạnh "nói không với rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích".
Tăng thuế thuốc lá không đơn thuần là bài toán kinh tế
Chúng ta đang cho phép một sản phẩm gây chết người được bán rẻ đến mức dễ dàng tiếp cận nhất trong chuỗi tiêu dùng,với một mức giá vào loại thấp nhất thế giới nếu tính theo tỷ lệ so với thu nhập người dân. Và rồi chúng ta ngồi lại, tranh luận về việc "có nên tăng thêm vài nghìn đồng/bao" hay không – trong khi chi phí chữa trị cho một ca ung thư phổi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, phần lớn do bảo hiểm chi trả, tức là do ngân sách – và rốt cuộc là do toàn xã hội gánh chịu.
Nếu Luật Thuế được thông qua cùng với phương án giãn tiến độ mà Bộ Tài chính đang đề nghị, mức thuế mới sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2027. Và nếu chọn phương án 1 với mức tăng chậm, từ nay cho đến năm 2030, giá thuốc lá có thể vẫn chưa đủ cao để thay đổi hành vi người tiêu dùng. Trong 5 năm đó, sẽ có thêm hơn nửa triệu người tử vong, và hàng triệu người khác tiếp tục phơi nhiễm khói thuốc.
Một đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ bắt đầu đi học khi chính sách này mới phát huy hiệu lực. Chúng ta có thể nào nói với em: "Xin lỗi, khi con ra đời, người lớn còn đang phân vân có nên tăng thuế thuốc lá hay không"?
Mỗi quyết định chính sách luôn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Nhưng đôi khi, cũng cần một chút can đảm để nói: đây là lúc để hành động. Không trì hoãn thêm nữa.
Tăng thuế thuốc lá là một bước đi hiệu quả, nhân văn và có cơ sở khoa học vững chắc. Chúng ta không thiếu lý do để làm điều đó – chúng ta chỉ cần đủ quyết tâm để chọn phương án đúng, chứ không phải phương án dễ dàng và thuận tiện cho một thiểu số.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!