Từ ngày 17-18/6, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Gặp gỡ các nhà kinh tế Việt Nam thường niên (VEAM 2019) diễn ra tại Đà Lạt, các nhà khoa học đã có những báo cáo quan trọng về tác động của tiêu dùng thuốc lá đối với nghèo đói tại Việt Nam, chi phí kinh phí kinh tế, bệnh tật và tử vong tại Ấn Độ, độ co dãn của cầu với giá thuốc lá tại Pakistan và Mô hình kinh tế vĩ mô của sử dụng thuốc lá ở Pakistan. Các nghiên cứu viên đến từ Hoa Kỳ, Việt Nam và Ấn Độ, Pakistan.
Tiếp cận đa chiều về phòng chống tác hại thuốc lá
TS. Estelle Dauchy - Phó Giám đốc Nghiên cứu quốc tế của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK, Hoa Kỳ) cho biết, sự kiện này đã kết nối hơn 100 các nhà nghiên cứu, kinh tế học hàng đầu, các nhà quản lý và xây dựng chính sách đến gần nhau hơn, cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu mang tính khoa học cao có giá trị, ý nghĩa để sử dụng làm bằng chứng khi đánh giá và xây dựng chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả, trong đó có chính sách y tế công cộng và phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đây cũng là cơ hội hiếm có cho các nhà khọa học trẻ để cùng nâng cao năng lực, xây dựng một cộng đồng các nhà nghiên cứu kinh tế nhưng quan tâm đến y tế công cộng và chủ đề khá gai góc hiện nay là phòng chống tác hại của thuốc lá. Điều này mở ra những cách tiếp cận đa chiều, đa dạng và toàn diện để đánh giá chương trình này, qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cho Việt Nam và giúp chia sẻ, so sánh với các quốc gia khác.
TS. Estelle Dauchy.
Là nhà nghiên cứu về kinh tế thuốc lá, TS. Estelle Dauchy cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong vận động và xây dựng chính sách tốt về giá và thuế thuốc lá. Tuy nhiên, thêm một kinh nghiệm Việt Nam có thể tham khảo là mới cách đây 2 tuần, Quốc Hội Pakistan đã thông qua chính sách áp thuế tuyệt đối, áp dụng đồng nhất cho tất cả các sản phẩm thuốc lá, trong nỗ lực để bù đắp thâm hụt ngân sách và giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra. Cụ thể là áp dụng thuế 10 rupee cho mỗi bao thuốc lá 20 điếu, không phân biệt nhãn hiệu nào. Nguồn thu này sẽ được đầu tư lại để phát triển các chương trình y tế khác.
Tại Pakistan, thuốc lá là nguyên nhân của hơn 100.000 trường hợp tử vong với hơn 24 triệu người hút thuốc (chiếm 19% dân số trên 15 tuổi). Hơn nữa, việc tăng thuế này có tác dụng làm giảm sử dụng thuốc lá, thúc đẩy cai thuốc lá ở người đang hút. Ước tính, Chính Phủ sẽ thu được hơn 50 tỉ rupee (khoảng 337.8 triệu đô la Mỹ) từ chính sách thuế này.
Theo các chuyên gia, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chiếm nhiều nhất là 45% giá bán lẻ thuốc lá đã bao gồm thuế, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 65-80% do Ngân hàng Thế giới ghi nhận ở các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng thuế theo số lượng, với mức thuế cao và có điều chỉnh theo lạm phát hoặc quy định lịch trình tăng thuế để theo kịp hoặc vượt lạm phát.
Kinh tế thuốc lá - góc nhìn mới của các nhà khoa học
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển cho biết, tại diễn đàn của các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế học và cả các nhà hoạch định chính sách tương tác với nhau. Qua việc thảo luận và chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu về kinh tế học có thể dựa vào ý kiến của các đồng nghiệp để cải thiện, nâng cao chất lượng, phương pháp của mình, từ số liệu đến tính khoa học của nghiên cứu.
TS. Nguyễn Ngọc Anh.
Qua việc thảo luận, các kết quả nghiên cứu đến được với các nhà hoạch định chính sách, đúng địa chỉ một cách nhanh chóng hơn. Qua đó, họ cũng thu được những góp ý, câu hỏi một cách biện chứng để bản thân mình có định hướng cho những kế hoạch nghiên cứu tốt và phù hợp hơn trong thời gian tới.
“Vấn đề nghiên cứu thuốc lá Việt Nam dưới góc độ kinh tế học bắt đầu có những tiến độ nhất định trong những năm qua, nhờ vào việc số liệu về thuốc lá trở nên sẵn có hơn, thu thập một cách hệ thống hơn. Đặc biệt, cộng đồng các nhà nghiên cứu về kinh tế thuốc lá cũng mở rộng hơn.
Việc giới thiệu các nghiên cứu mới về kinh tế thuốc lá trong năm nay sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có một dữ liệu, bằng chứng hiệu quả, toàn diện và đa chiều để xây dựng các chính sách và giải pháp hiệu quả, đặc biệt liên quan đến thuốc lá và đói nghèo, thuốc lá với bệnh tật và tử vong, sự co dãn của cầu với giá thuốc lá và thuế thuốc lá”- TS. Ngọc Anh chia sẻ.
Trải qua 12 năm thực hiện, năm nay 2019, Hội nghị tổ chức tại Đại học Đà Lạt, thu hút 160 các nhà khoa học, nghiên cứu viên trong nước và 20 quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Úc, Italie, Malaysia, Ấn Độ) vơi 25 chuyên để bao gồm cả lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế năng lượng, môi trường, tài chính, sáng kiến, kinh tế thuốc lá, năng suất và 110 báo cáo được trình bày tại hội nghị.
Năm nay có phiên đặc biệt về kinh tế thuốc lá do VEAM và Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ, Đại học Illinois của Chicago, đồng tổ chức nhằm cung cấp một cái nhìn khoa học biện chứng với vấn đề thuốc lá. Đưa những nghiên cứu về kinh tế thuốc lá với những kết quả biện chứng tại một hội nghị khoa học là một phép thử tốt cho cộng đồng các nhà nghiên cứu thẩm định, chia sẻ. Qua đó, củng cố độ tin cậy, tính chặt chẽ để đưa những phát hiện thành những bằng chứng có giá tri để đánh giá và xây dựng chính sách.
Đồng thời, kết nối giữa khoa học với chính sách. Trước đây thuốc lá thường được nhìn nhận về lĩnh vực y tế công cộng nhưng nay đã có những nghiên cứu đứng trên góc độ của các nhà kinh tế học. Đây là kinh nghiệm cho VN không chỉ là phương pháp, kết quả mà còn mở ra những định hướng, Qua đó, tạo dựng một cộng đồng các nhà kinh tế quan tâm đến lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc là và kinh tế thuốc lá. Cơ hội nâng cao năng lực cho các nhà kinh tế học của Việt Nam...