Sáng 9/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu thụ thuốc lá, từ đó giảm đáng kể về nạn bệnh tật, tử vọng sớm do các bệnh liên quan đến tiêu thụ thuốc lá.
Bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy, điều chỉnh tăng thuế thuốc lá là giải pháp mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu, vừa bảo đảm sức khỏe nhân dân. Nguồn thu ổn định từ thuế thuốc lá đảm bảo nguồn tài chính cho các chương trình y tế cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn chứng như tại Philippines, sau khi tăng thuế thuốc lá mạnh năm 2012, tỷ lệ hút thuốc giảm từ 27% (năm 2009) xuống còn 19,5% (năm 2021), trong khi nguồn thu thuế thuốc lá tăng từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 2,9 tỷ USD (năm 2022). Ở Thái Lan, từ 1993-2017, tăng thuế thuốc lá 11 lần dẫn đến kết quả giảm tỉ lệ hút từ 32% xuống 19,1%, thu ngân sách tăng hơn 4 lần (500 triệu USD lên 2,3 tỉ USD).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên vừa giúp bảo vệ sức khỏe người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
"Do đó, việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên được các quốc trên thế giới đánh giá là chính sách cùng thắng (win – win), thắng trong bảo vệ sức khỏe người dân và thắng trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá thấp hơn nhiều quốc gia như: Thái Lan là 78,6%, Phillipines là 71,3% và Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc hàng rẻ nhất Đông Nam Á.
Từ kinh nghiệm các nước, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội xem xét tăng ngay, tăng mạnh, tăng thường xuyên thuế thuốc lá.
Về quy định cụ thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị mức thuế 75% đối với mặt hàng thuốc lá được tính trên giá bán lẻ thay vì giá xuất xưởng để phù hợp với khuyến nghị của WHO. "Về mức thuế tuyệt đối, tôi cho rằng lộ trình tăng từ 1/1/2027 – 1/1/2034 là phù hợp, nhưng mức tăng thuế đề xuất khởi đầu là 5.000 đồng/bao loại 2 điếu. Vì có những nơi đóng 30 – 40 điếu. Lộ trình mỗi năm tăng 3 nghìn, đến 2031 là 15.000 đồng/bao/2 điếu", ông Trí cho hay.
Góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dường bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá.
Bà Nga cho biết, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng đã được nghiên cứu, công bố rất rõ ràng và điều quan trọng nhất là nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể vượt 70.000 ca tử vong mỗi năm trong tương lai gần.
Trong khi đó, chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra như ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… đang là gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế và ngân sách nhà nước. Đáng nói hơn, thuốc lá còn gây tác hại đối với cả những người không hút thuốc – đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi – thông qua hiện tượng hút thuốc thụ động.
Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ can thiệp chính sách rất hiệu quả, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia khuyến nghị. "Khi giá thuốc lá tăng, đặc biệt là ở mức đủ cao, sẽ có tác động trực tiếp làm giảm nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp – nhóm dễ bị tổn thương nhất", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh
Xem thêm video được quan tâm:
Quốc Hội Thông Qua Luật Nhà Ở Sửa Đổi, Không Quy Định Thời Hạn Sở Hữu Nhà Chung Cư | SKĐS