Gần đây, dư luận rộ lên tranh luận nhiều chiều về việc tăng thuế bia, rượu. Những người dân bình thường (tất nhiên không phải sâu bia, sâu rượu) đều tán thành chủ trương tăng thuế bia, rượu để hạn chế những hệ lụy quá rõ ràng của các chất kích thích này. Tuy nhiên, phía các nhà sản xuất lại “nhân danh” đóng góp cho nền kinh tế để có cớ lo lắng rằng nếu tăng thuế thì ngành bia, rượu sẽ không cạnh tranh được với hàng nước ngoài. Việc cân bằng được cả hai yếu tố sức khỏe và kinh tế nói trên đang làm cơ quan quản lý “đau đầu”...
Nhà máy bia “đua nở”
Theo những thống kê chưa đầy đủ thì cả nước hiện có hơn 400 nhà máy bia, đặc biệt có những tỉnh phải đi xin cứu đói cũng xây nhà máy bia. Mỗi năm, người dân Việt Nam đã phải tiêu tốn hàng tỷ USD để uống bia.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhà máy bia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã chớp thời cơ đầu tư xây dựng nhà máy bia công suất lớn ở nhiều tỉnh. Ba tỉnh Quảng Bình, Nghệ An và Ninh Thuận phải đi xin cứu đói vào dịp Tết vừa qua cũng có nhà máy bia công suất lớn.
Không ai phủ nhận những đóng góp của các nhà máy bia cho ngân sách Nhà nước từ những con số tăng trưởng ấn tượng hơn nhiều ngành kinh tế khác, nhưng nếu tiếp tục phát triển ồ ạt nhà máy bia như hiện nay thì sẽ dẫn đến “bội thực”, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.
Bia, rượu thường tạo ra con số tăng trưởng lớn hơn nhiều ngành nghề khác, nhưng không phải là ngành kinh tế bền vững, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Khi nền kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, nhưng hàng năm phải bỏ ra hàng tỷ USD để uống bia thì đó là sự lãng phí rất lớn cả về tài chính lẫn sức khỏe cộng đồng. Thêm vào đó, những hệ lụy từ bia, rượu tới sức khỏe của người dân và tình trạng gia tăng tai nạn giao thông vì bia rượu cũng là một vấn nạn không thể bỏ qua.
Ngành tài chính dùng chính sách thuế để hạn chế việc buôn bán và sử dụng rượu bia; ngành y tế luôn đưa ra những khuyến cáo về tác hại của việc sử dụng quá nhiều rượu bia; ngành giao thông cũng “ngán ngẩm” với bia, rượu. Thế nhưng, vì lợi ích kinh tế “trông thấy” trước mắt, không ít địa phương vẫn cố gắng mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bia.
“Đau đầu” cân nhắc lợi, hại
Gần đây, khi Chính phủ rục rịch xem xét đến việc tăng thuế vào bia, rượu thì lập tức những chủ nhân các hãng bia, rượu cảm thấy bồn chồn không yên, vì vậy, họ lập tức vin vào lý do hàng nội sẽ không thể cạnh tranh với hàng ngoại.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu thuần sản xuất bia giai đoạn 2009 - 2013 bình quân gần 20%/năm, từ mức 21.600 tỷ đồng năm 2009 lên 45.400 tỷ đồng năm 2013. Lợi nhuận ngành bia trong vòng 5 năm (2009 - 2013) đã tăng gần 4 lần, từ 2.510 tỷ đồng năm 2009 vọt lên 10.150 tỷ đồng năm 2013.
Kết quả phân tích của Công ty Nghiên cứu Chính sách Regioplan (Hà Lan) cho thấy, sau hơn 1 năm áp mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới dành cho mặt hàng bia (50% từ 1/1/2013), sản lượng bia giảm 8,2%, lượng tiêu thụ cũng giảm 7,5%.
Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lo lắng rằng nếu tăng thuế cao quá sẽ làm giá bia tăng lên và tức khắc người tiêu dùng sẽ tìm tới những đồ uống có cồn không đảm bảo chất lượng thay cho bia mỗi khi có nhu cầu uống, ông lo lắng rằng các loại bia cỏ, rượu tự nấu không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lại có thời cơ phát triển, rồi các chất tạo độ cồn công nghiệp giá rất rẻ lại càng tràn lan. Thêm vào đó, thuế đánh vào bia cứ cao vút như lộ trình đặt ra thì ngành bia nội sẽ rơi vào thảm cảnh “bị triệt tiêu” trước bia ngoại, mà mục tiêu đảm bảo sức khoẻ người dân và tăng thu ngân sách Nhà nước thì không đạt được. Nếu thuế tăng vút theo lộ trình thì vô hình trung là sẽ triệt bia nội, tăng lợi thế cho bia ngoại, đến một lúc nào đó, trên thị trường Việt Nam sẽ chỉ còn bia ngoại.
Về mục tiêu đặt ra trong chiến lược tăng thuế TTĐB đối với bia là sẽ vừa làm tăng thu ngân sách, vừa giảm tiêu dùng bia, theo đại diện Sabeco thì không thể cùng một lúc trong một chiến lược lại có thể đặt ra hai mục tiêu “đối đầu” nhau như vậy. Lo lắng này của Chủ tịch Sabeco không phải không có cơ sở.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, không thể không thực hiện việc tăng thuế. Theo đại diện ngành tài chính thì ở các nước phát triển, họ đánh thuế TTĐB tuyệt đối trên bia, trong khi Việt Nam chỉ đánh thuế tương đối để “lường sức” cho DN sản xuất trong nước. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, dự kiến thuế đánh vào mặt hàng bia sẽ tăng thêm 15% trong vòng 3 năm tới, tới năm 2018, thuế suất TTĐB đối với bia sẽ là 65%.
“Nếu mỗi năm thuế tăng thêm 5%, với mức lợi nhuận khoảng trên 10.000 tỷ đồng của ngành bia năm 2013 thì chỉ khiến DN giảm bớt chút ít lãi chứ không hẳn tác động lớn tới sản xuất. Còn người tiêu dùng sẽ thích ứng dần, giảm tiêu dùng bia cũng như đồ uống có cồn hại cho sức khoẻ. Ngành thuế đưa ra lộ trình tăng thuế cũng là để tránh sốc cho DN sản xuất trong nước”.
Cũng theo đại diện ngành tài chính thì lo lắng của ngành bia, rượu rằng giá cao, người dân chuyển sang uống bia cỏ, rượu tự nấu là thiếu căn cứ. Thống kê của ngành thuế thì những năm gần đây, sản lượng bia hơi, bia cỏ đã giảm sút đáng kể, chứng tỏ khi thu nhập tăng lên thì người dân sẽ tìm đến sản phẩm có chất lượng.
Thiết nghĩ, để cân nhắc lợi ích giữa cả 2 mục tiêu trên thì các cơ quan thuế, tài chính cần phối hợp với các ngành liên quan như y tế, giao thông… để đưa ra được một quyết sách có lợi nhất. Đồng thời, việc tăng thuế cũng cần tiến hành theo lộ trình phù hợp. Mới hay, yếu tố lợi nhuận tất nhiên là đúng, nhưng cũng cần song hành với các lợi ích xã hội khác thì mới đảm bảo được sự bền vững.
Hồng Anh