Tăng thu học phí có giảm lạm thu?

14-07-2012 08:08 | Thời sự
google news

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình HĐND thành phố về việc tăng học phí cho năm học 2012 - 2013. Theo đó, nếu được thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố thì mức học phí sẽ tăng từ 3 - 5 lần so với hiện tại.

(SKDS) - UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình HĐND thành phố về việc tăng học phí cho năm học 2012 - 2013. Theo đó, nếu được thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố thì mức học phí sẽ tăng từ 3 - 5 lần so với hiện tại. Còn tại Hà Nội, kể từ năm học 2012-2013, Hà Nội sẽ áp dụng mức học phí ở các bậc học mầm non, THCS, THPT, bổ túc, học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố là 40.000 đồng/tháng với khu vực thành thị và 20.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, dư luận đặt vấn đề, việc tăng học phí có đồng nghĩa với giảm những khoản thu khác của nhà trường hay không?

Theo UBND TP.HCM, mức học phí bao gồm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh và sẽ được áp dụng từ năm học 2012 - 2013. Các năm học sau, mức thu sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hằng năm. Mức thu đó cũng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí Nghị định 49 của Chính phủ. UBND thành phố cho rằng, hiện khung học phí ban hành từ năm 1998 không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của TP.HCM, vì đã có những thay đổi lớn về mặt bằng giá cả hằng năm.
 Ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục cần kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu.

Thông tin này khiến không ít phụ huynh lo lắng, bởi việc học phí tăng ngay trong thời điểm mà mọi chi phí sinh hoạt khác cũng tăng sẽ là gánh nặng không nhỏ cho nhiều gia đình.

Gia đình chị Đàm Thị Hạnh ở quận Phú Nhuận, TP.HCM có 2 cháu hiện đang học bậc trung học cơ sở. Đây là bậc học có khả năng sẽ điều chỉnh mức học phí cao nhất, tăng 5 lần so với trước. Tuy chấp nhận mức tăng này, nhưng điều chị Hạnh băn khoăn là liệu tăng học phí có đồng nghĩa với giảm những khoản thu khác của nhà trường hay không. Băn khoăn, lo lắng của chị Hạnh là có cơ sở, bởi trên thực tế, nhiều trường thu các khoản ngoài học phí để phục vụ công tác giảng dạy. Hầu hết phụ huynh đồng tình với cách làm này như một sự chia sẻ gánh nặng chi phí với ngành giáo dục. Tuy nhiên, họ mong muốn các khoản thu phải đi kèm với chất lượng giáo dục.

Ngay tại Hà Nội, mặc dù quy định mức học phí ở các bậc học mầm non, THCS, THPT, bổ túc, học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố là 40.000 đồng/tháng với khu vực thành thị và 20.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn, nhưng không ít bậc phụ huynh lo lắng với các khoản thu ngoài. Như chị Nguyễn Thanh Hòa có con học Trường THCS Đống Đa, mỗi tháng nộp 30.000đ (học chính khoá), nhưng cháu nhà chị còn phải nộp thêm gấp nhiều lần số tiền đó để học bổ trợ kiến thức. Về việc này nhà trường có nói rõ: ai có nhu cầu thì học, không bắt buộc. Nhưng liệu có phụ huynh nào dám không cho con đi học? Và việc thu phí học phụ còn cao hơn rất nhiều học chính...

Có một thực tế mà ai cũng biết là từ lâu, bên cạnh học phí, nhiều trường còn “đẻ” ra những khoản thu khác. Trong tờ trình, UBND TP.HCM thừa nhận, những khoản thu ngoài học phí, hay còn gọi là lạm thu, ở các trường hiện nay là có thực, đặc biệt là các trường phổ thông công lập.

Gia đình chị Nguyễn Hoàng Oanh, quận 1, TP.HCM) có con học lớp 11, ngoài tiền học phí đóng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng tháng gia đình chị còn phải chi phí thêm nhiều khoản khác cho việc học của con mình như, tiền Quỹ Hội cha mẹ học sinh (khoảng gần 500.000 đồng/năm), tiền học hè một tháng rưỡi là 400.000 đồng, tiền học thêm bên ngoài như học tiếng Anh và phụ đạo các môn khác, tiền đồng phục... với tổng cộng trung bình một tháng, tính cả mức học phí hiện nay, gia đình phải chi hơn 2,5 triệu đồng cho con. Trong khi học phí chỉ là một phần nhỏ trong nhiều khoản khác mà các gia đình có con đi học đang phải gánh.

Mặc dù nhiều đại biểu HĐND và phụ huynh học sinh ủng hộ việc tăng này do khung học phí lạc hậu, nhiều tỉnh, thành khác đã điều chỉnh học phí. Nhưng câu hỏi lớn mà người dân đặt ra đó là, tăng học phí có giúp đảm bảo chất lượng giáo dục và giảm lạm thu, giảm tiêu cực trong ngành này hay không. Đây vẫn là những trăn trở chưa có lời giải đáp.

Bài và ảnh:Ngọc Đỗ


Ý kiến của bạn