Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

08-08-2024 08:46 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tăng thông khí (có tên khoa học là Hyperventilation) được hiểu là hiện tượng quá trình hít và thở của người bệnh bị mất cân bằng. Hiện tượng này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt một lượng lớn khí CO2 và gây ra một số triệu chứng như khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh bất thường,...

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng thông khí

Tăng thông khí (có tên khoa học là Hyperventilation) được hiểu là hiện tượng quá trình hít và thở của người bệnh bị mất cân bằng. Rõ nhất người bệnh có xu hướng thở không khí ra nhiều hơn là hít vào. Hiện tượng này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt một lượng lớn khí CO2 và gây ra một số triệu chứng như khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh bất thường,...

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người bệnh bị tăng thông khí có thể đến từ bệnh lý hoặc tâm sinh lý.

1.1. Tăng thông khí do tâm lý bất ổn

Tình trạng này được xem là phản ứng của cơ thể đối với các trạng thái cảm xúc như trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, tức giận hay căng thẳng kéo dài. Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu thường gây ra triệu chứng tăng thông khí từ nhẹ cho đến nghiêm trọng nếu không được phát hiện và can thiệp.

Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 1.

Tình trạng lo lắng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng thông khí. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, những loại chất kích thích cũng có thể xâm nhập vào cơ thể làm thay đổi cảm xúc bất thường, dẫn tới tăng thông khí.

Biểu hiện ở tim đập nhanh, trống ngực, chóng mặt... nhưng khi khám lại không có tổn thương tại tim. Chính tình trạng lo lắng không rõ nguyên nhân ở người bệnh rối loạn nhịp tim đã dẫn tới hội chứng tăng thông khí. Khi họ lo lắng và để ý thái quá về tình trạng hô hấp của mình, cảm thấy thiếu oxy để thở sẽ cố gắng thở nhanh và sâu hơn để lấy đủ oxy.

1.2. Tăng thông khí do vấn đề bệnh lý

Những người mắc các bệnh về hô hấp thường có nguy cơ bị tăng thông khí khá cao, đặc biệt là những căn bệnh mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, ứ khí phổi, hen suyễn,...).

Những người gặp vấn đề về tim hay các bệnh lý về não bộ (chấn thương vùng đầu, tổn thương cầu não, hành não và trung não, chấn thương sọ não, áp lực nội sọ…). Nhiễm ceton acid (một biến chứng của lượng đường trong máu cao ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1). Ngoài ra, tình trạng tăng thông khí cũng có thể bắt nguồn từ tác dụng phụ của thuốc người bệnh đang điều trị hoặc sử dụng quá liều (ví dụ quá liều aspirin) các loại thuốc được chỉ định.

Một số tác nhân khác có thể gây ra hiện tượng tăng thông khí như: Sử dụng chất kích thích; môi trường ô nhiễm, ẩm thấp; Suy dinh dưỡng, Mang thai; đi du lịch hoặc ở những nơi có độ cao trên 800m, bị chảy máu hoặc bị đau nghiêm trọng, vấn đề dinh dưỡng không đầy đủ,...

2. Triệu chứng của hội chứng tăng thông khí

Tăng thông khí có hai hình thức chính: Tăng thông khí hàng ngày và tăng thông khí đột ngột.

Tăng thông khí hàng ngày: Biểu hiện bằng việc thở nhanh nên thường khó được nhận biết.

Tăng thông khí đột ngột: Xảy ra nhanh chóng, đột ngột với những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Người bệnh mắc hội chứng tăng thông khí đột ngột có thể phải trải qua cảm giác khó chịu, đau nhức một số bộ phận trên cơ thể như bụng, ngực, hệ thần kinh và cảm giác.

Các triệu chứng có thể kéo dài từ 20-30 phút với một số triệu chứng, dấu hiệu điển hình như: Người bệnh thở gấp gáp, hít vào quá nhiều không khí dẫn đến một vài triệu chứng ở bụng và ngực (đầy hơi, ợ hơi, vùng bụng nặng nề, đau ngực ,tức ngực, thở khò khè…).

Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 2.

Người bệnh mắc hội chứng tăng thông khí đột ngột có thể phải trải qua cảm giác khó chịu, đau nhức một số bộ phận trên cơ thể.

Thở nhanh cũng khiến người bệnh bị giảm lượng canxi, CO2 trong máu, gây ra những triệu chứng về thần kinh như: tê ngứa bàn tay, bàn chân hoặc xung quanh miệng; tay và chân co thắt hoặc chuột rút, co giật cơ.

Về mặt cảm xúc, người bệnh thường xuyên lo âu, bất an, cảm giác hồi hộp dễ căng thẳng, tim đập nhanh và mạnh; Miệng khô do quá nhiều không khí lưu thông qua miệng.

Một số biểu hiện khác cũng cần được chú ý như: sốt; vã mồ hôi; run rẩy; kiệt sức; thường xuyên thở dài hoặc ngáp; nhiễm trùng; chảy máu; suy giảm thị lực như nhìn mờ hoặc tầm nhìn đường hầm, nhìn thấy ảo ảnh; gặp vấn đề với sự tập trung hoặc bộ nhớ, thường hay nhầm lẫn, mất ý thức (ngất xỉu).

3. Bệnh tăng thông khí có lây truyền không?

Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng thông khí hầu hết là do vấn đề tâm lý bất ổn và các bệnh không lây truyền. Do đó, việc lây nhiễm hay lây truyền bệnh này là không thể.

Những trường hợp nhiều người ở gần nhau cùng bị tăng thông khí có thể là do các tác nhân ngoại cảnh như môi trường sống không lành mạnh hay vị trí địa lý (ở nơi quá cao thiếu không khí), do đó nhiều người sẽ bị lầm tưởng rằng bị tăng thông khí là do lây truyền bệnh từ người sang người.

Trong một số trường hợp hiếm hoi khác mà hiện tượng tăng thông khí có thể bị coi là bệnh lây truyền, đó là do ảnh hưởng của hội chứng lây truyền cảm xúc. Tăng thông khí là do rối loạn cảm xúc gây ra như: căng thẳng đầu óc, lo âu hay hoảng sợ vì vậy những đối tượng dễ bị rối loạn cảm xúc sẽ có nguy cơ bị tăng thông khí do bị lây truyền rối loạn cảm xúc từ người bệnh.

4. Phòng ngừa bệnh tăng thông khí

Luôn giữ tâm lý ổn định, thoải mái và hạn chế các cơn nóng giận. Trường hợp do ảnh hưởng của công việc quá áp lực khiến người bệnh dễ bị stress thì hãy liên hệ ngay tới các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Điều trị dứt điểm các bệnh lý về hô hấp, thần kinh và tim mạch. Đối với các bệnh lý mãn tính thì phải có biện pháp kiểm soát bệnh tình, tránh tình trạng bệnh tái phát nhanh gây nhiều ảnh hưởng đến các cơ quan và bộ phận khác của cơ thể.

Tăng thông khí: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 3.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao cũng sẽ là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa tình trạng tăng thông khí.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao cũng sẽ là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa tình trạng tăng thông khí và các loại bệnh lý khác. Đặc biệt các bài tập yoga hoặc thiền sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao sức khỏe thể chất cũng như thư giãn đầu óc, điều hòa tâm lý.

5. Các biện pháp điều trị bệnh tăng thông khí

Mục tiêu của điều trị trong cơn thở nhanh là tăng lượng khí CO2 trong cơ thể và làm chậm nhịp thở, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp xử lý nhanh và điều trị tăng thông khí phổi như sau:

Phương pháp xử lý nhanh

Giữ tâm lý bình tĩnh, tránh hoảng sợ. Điều quan trọng để điều trị hội chứng này là cố gắng giữ bình tĩnh trong các trường hợp thở nhanh cấp tính. Người bệnh nên trao đổi trước với người thân và đồng nghiệp, nhờ họ hỗ trợ bằng cách vỗ nhẹ nhàng lên lưng khi xuất hiện hiện tượng này. Lưu ý giải tán đám đông, ra không gian mở để dễ thở và thư giãn hơn.

Học cách kiểm soát hơi thở và thở chậm lại: Người bệnh nên luyện tập cách kìm chế bản thân bằng phương pháp hít vào từ từ đầy phổi, giữ không khí trong phổi 5 giây rồi thở ra từ từ. Áp dụng kĩ thuật này lặp đi lặp lại cho đến khi thấy hơi thở trở về mức bình thường.

Thở qua từng lỗ mũi: Người bệnh đưa tay khum lại che miệng, dùng ngón tay bịt một bên mũi và xen kẽ hơi thở đổi bên qua từng lỗ mũi. Tư thế này sẽ giúp không khí được đưa ra ngoài chậm hơn.

Sử dụng túi giấy để thở: Người bệnh nên chuẩn bị sẵn một túi giấy bên người. Khi phát bệnh lấy túi giấy che nhẹ vùng miệng và mũi, thở vào để đảm bảo khí CO2 không bị đưa ra hết ngoài không khí, sau đó hãy hít thở 12 lần với túi và 12 lần thở ngoài không khí.

Nhóm phương pháp điều trị tăng thông khí lâu dài:

Có thể sử dụng thuốc để điều trị tăng thông khí. Tuy nhiên, người bệnh không nên tùy tiện mua thuốc về tự uống mà cần phải được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh tình và tình trạng sức khỏe mà các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh có cần uống thuốc hay không.

Một số biện pháp châm cứu cũng có thể được áp dụng nhằm giảm các nguy cơ bị tăng thông khí cho những người thường xuyên bị căng thẳng đầu óc, stress.

Tập thể dục thể thao thường xuyên: các bài tập thể dục như đi bộ nhanh, chạy trong khi thở vào và ra bằng mũi có thể hạn chế tăng thông khí. Thực hiện một số bài tập hít thở giúp điều hòa nhịp thở, giảm nguy cơ tái bệnh.

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng để có một cơ thể khỏe mạnh cũng như một tinh thần thoải mái, đặc biệt đối với những bệnh nhân vừa trải qua cơn tăng thông khí rất cần được bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể.

Rèn luyện các bài tập về cơ thể/ tâm trí: tập Thái Cực quyền, yoga, thiền định hoặc khí công tối thiểu 1 tiếng/ngày có thể giúp bạn bình tâm, giải tỏa tâm lý và kiểm soát thở nhanh hiệu quả.

Tập thở tăng thông khí phổi, phòng bệnh COVID-19Tập thở tăng thông khí phổi, phòng bệnh COVID-19

SKĐS - Theo "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19" mới nhất của Bộ Y tế, người dân có thể tập thở nhằm tăng thông khí phổi, giúp phòng ngừa bệnh.


BS CKII Lương Văn Phùng
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An
Ý kiến của bạn