Siết chặt các biện pháp
Có mặt ở Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy, cánh cửa dẫn vào khoa luôn được đóng kín và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế, chỉ những trường hợp: nhân viên y tế tại khoa, người bệnh có chỉ định chạy thận, thân nhân có thẻ nuôi bệnh mới được ra vào. Trước khi vào bên trong, những trường hợp trên cũng được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế. Trước đó, ngay từ cổng vào của bệnh viện, người bệnh, thân nhân nuôi bệnh cũng đã trải qua khâu khai báo y tế, sát khuẩn cần thiết.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy, cho biết, việc đặt bàn kiểm soát khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại lối ra vào của khoa nhằm một lần nửa siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng thêm “lá chán” bảo vệ người bệnh có nguy cơ cao trước dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp.
Hiện tại, tại Khoa Thận Nhân tạo, BV Chợ Rẫy có khoảng 400 bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ. Bên cạnh đó, mỗi ngày có khoảng 40-80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo cấp cứu. Ở những ngày cao điểm, tại khoa tiếp nhận chạy thận cho 250 lượt bệnh nhân. Trong đó, khoảng 43% là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối trên nền bệnh lý đái tháo đường, 95% bệnh nhân thận mạn có tăng huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân bị các tình trạng thiếu máu cơ tim, viêm gan siêu vi D, viêm gan siêu vi C. Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tuấn, với số lượng bệnh nhân nhiều như trên, đặc biệt là nhiều bệnh nhân có các bệnh nền, hệ thống miễn dịch suy giảm, sức đề kháng yếu, ngoài siết chặt kiểm soát tại lối vào của khoa để nhanh chóng phát hiện các trường hợp nghi ngờ, theo chỉ đạo của lãnh đạo BV, khoa đã triển khai đồng loạt các biện pháp khác để bảo vệ người bệnh chạy thận khỏi COVID-19.
Hiện tại, khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy đang điều trị chạy thận cho khoảng 400 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Ảnh: T.Thương
Cụ thể, một số bệnh nhân chạy thận đã được chuyển về các đơn vị vệ tinh nhằm giảm tải cho bệnh viện. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại khoa tiếp nhận chạy thận cho khoảng 200 lượt. Với số lượng bệnh nhân giảm bớt, việc thực hiện giãn cách giữa các bệnh nhân cũng đảm bảo 2 mét.
Tại khoa đã thực hiện việc phân luồng các bệnh nhân, mỗi đối tượng bệnh nhân như: bệnh nhân chạy thận cấp; bệnh nhân chạy thận định kỳ; bệnh nhân có tình trạng viêm gan; bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ (có sốt, ho, bản thân hoặc người nhà đi từ vùng dịch về - phát hiện từ khai báo y tế) sẽ được bố trí chạy thận tại các khu riêng biệt. Riêng đối với các bệnh nhân nghi ngờ, nhân viên y tế sẽ mời BS tại Khoa Bệnh nhiệt đới đến lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính sẽ được bố trí trở lại khoa để chạy thận tuy nhiên được sắp xếp giờ lọc máu vào cuối ngày khi lượng bệnh nhân đã giảm đi nhiều.
Những bệnh nhân ở các khoa khác khi có chỉ định chạy thận nhân tạo sẽ được hỗ trợ chạy thận nhân tạo tại chỗ. Khoa cũng đã sẵn sàng tình huống có bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới, khi có chỉ định chạy thận cũng sẽ được chạy thận tại chỗ. Bên cạnh đó, tại khoa cũng thông báo hạn chế tối đa người nuôi bệnh, tất cả người bệnh, thân nhân nuôi bệnh, nhân viên y tế đều phải tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tuấn đang điều chỉnh các thông số trên máy chạy thận cho bệnh nhân. Ảnh: T.Thương
Đối với hệ thống máy chạy thận nhân tạo, nhân viên y tế sẽ thực hiện sát trùng bề mặt sau mỗi ca bệnh, sàn nhà được vệ sinh phun xịt hoá chất thường xuyên vào cuối mỗi ngày. Khoa sẽ thực hiện tổng vệ sinh vào cuối tuần. Mục tiêu là phòng chống nhiễm khuẩn, giảm tối đa các yếu tố nguy cơ.
Với các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, vừa qua tại khoa Thận nhân tạo đã phát hiện và kịp thời phân luồng điều trị cho 1 trường hợp F1, 3 trường hợp F2, một số trường hợp khác có các biểu hiện sốt. Tất cả các trường hợp trên đều cho kết quả âm tính sau 3 lần xét nghiệm.
Không còn lo sợ vì ai cũng tự ý thức
Phát hiện bị suy thận cách đây hơn 7 năm, bệnh nhân Phạm Ngọc Nguyên (65 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) được chỉ định chạy thận nhân tạo định kỳ. Hơn 7 năm qua, đều đặn một tuần 3 lần (thứ 3, thứ 5, thứ 7) anh phải đến khoa Thận nhân tạo để được lọc máu. Nằm mệt mỏi trên giường bệnh, anh Nguyên cho biết, từ đợt đầu dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM anh đã lo lắng, nhưng thời điểm đó dịch bệnh chưa nguy hiểm như hiện giờ. Vừa qua, hay tin nhiều người bệnh thận mạn nhiễm virus dễ diễn biến nặng, tử vong anh đã lo lại càng lo hơn.
Anh Nguyên chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi gần như không muốn đi đâu, chỉ muốn ở nhà, bất đắc dĩ quá phải đến bệnh viện. Ở bệnh viện các bác sĩ cũng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nên tôi cũng đỡ lo sợ hơn. Không để bác sĩ nhắc nhở, tôi luôn chủ động đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay dù khi ở nhà hay đến bệnh viện. Thấy người khác lơ là không đeo khẩu trang là tôi nhắc nhở ngay, dần dần mọi người đã có ý thức hơn. Việc đó không chỉ bảo vệ cho bản thân mà còn bảo vệ sức khoẻ cho gia đình, xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng (64 tuổi, quê Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng đã chạy thận nhân tạo tại đây hơn 6 năm. Nhà ở xa, một tuần 3 lần bà đón xe đò từ Tiền Giang lên BV Chợ Rẫy để chạy thận. Trước đây bà Hoàng một mình đi về, càng ngày sức khoẻ càng xuống dốc, người con trai của bà phải theo để đỡ đần cho mẹ. Lo lắng dịch bệnh sẽ “kêu” mình, bà Hoàng kể mỗi lần đi xe đò bà không dám tháo khẩu trang, chai nước rửa tay luôn sẵn sàng trong túi áo. Khi đến bệnh viện mẹ con bà cũng không dám đi lại trong khuôn viên khoa khác và tuyệt đối tuân thủ lời khuyên mà các bác sĩ đưa ra. “Trước đây tôi rất lo sợ, nhưng nhiều lần được các bác sĩ khuyên và thấy đượccác bác sĩ đang làm nhiều việc để bảo vệ mình và những người bệnh khác nên tôi đã ổn định tâm lý, bình tĩnh hơn để tiếp tục điều trị”.
Các hình ảnh tăng cường kiểm soát bảo vệ bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy:
Thân nhân người bệnh được đo thân nhiệt trước khi vào bên trong khoa. Ảnh: T.Thương
Thực hiện sát khuẩn tay trước khi khai báo y tế. Ảnh: T.Thương
Thân nhân người bệnh khai báo y tế mỗi lần vào khoa để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Ảnh: T.Thương