Hà Nội

Tăng sức đề kháng, mát phổi, tiêu đờm nhờ ăn cam

SKĐS - Quả cam là loại trái cây rất quen thuộc với người dân. Cam chứa nhiều nước và giàu vitamin C, giúp tăng sức đề kháng nên được nhiều người lựa chuộng, nhất là trong mùa dịch COVID-19.

Quả cam tươi rất giàu dinh dưỡng: Có nhiều nước (87,5%), protid 0,9%, glucid 8,4%, acid hữu cơ 1,3%. Ngoài ra có cellulose 1,6%, calcium 34mg%, sắt 23mg%, caroten 0,4mg%, vitamin C 40mg%. Đặc biệt rất giàu vitamin C, có thể tới 150mg trong 100g dịch quả.

Cam ăn mát bổ tăng cường sức khỏe, còn có nhiều dưỡng chất có lợi trong việc phòng trị bệnh. Theo Y học cổ truyền, quả cam có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

Vỏ quả có vị cay, mùi thơm, tính ẩm. Tác dụng tiêu đờm, thông khí trệ, giúp tiêu hoá.

Vỏ cây vị ngọt, hơi the, tính mát; có tác dụng hạ khí đầy, điều hoà tỳ vị.

photo-1629947902593

Quả cam giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt và lợi tiểu.

Theo sách Nam dược thần hiệu "quả cam (cam thực) vị chua tính hàn không độc. Tác dụng lợi trường mát dạ dày, trừ đơn độc, giải khát, sinh tân dịch dễ đẻ". Trị đơn độc, chứng ngoài da nổi ban đỏ.

Theo sách Dược tính chỉ nam, quả cam vị ngọt, tính hàn, không độc. Tác dụng thông lợi nhiệt độc trong dạ dày, ruột, khỏi được chứng khát, lợi tiểu tiện. Vỏ còn chữa chứng phụ nữ sau sinh phù. Vỏ cam ngâm rượu uống rất hay.

Món ăn bài thuốc từ cam

Chữa người nóng đơn đỏ chạy khắp người (phong ngứa mề đay dị ứng): Cam tươi 1-2 quả vắt uống mỗi ngày.

Chữa tâm nóng bứt dứt, không yên (tâm quý): Cam tươi 1-2 quả vắt uống hoặc hơn mỗi ngày.

Chữa đại tiện táo, miệng khô khát: Cam tươi vắt uống 1-2 quả hằng ngày.

Chữa nhiệt miệng: Cam tươi vắt uống 1-2 quả mỗi ngày.

photo-1629947904353

Nước cam tươi mát bổ, chữa mề đay dị ứng, nhiệt miệng, người nóng bứt rứt, táo bón…

Cam giúp tăng cường miễn dịch, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương, bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa. Những người hút thuốc nên ăn nhiều cam. Bệnh nhân mắc viêm ruột, viêm túi mật nên thận trọng khi ăn.

Ở Ấn Độ, dịch quả cam cũng được dùng trong chữa bệnh về mật và tiêu chảy ra máu. Vỏ quả có thể dùng thay vỏ quýt nhưng tác dụng kém hơn. Ngoài ra dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá, chữa đau bụng, đầy bụng, ợ chua, đi ngoài.

Vỏ quả còn chữa phụ nữ sau khi đẻ bị phù. Vỏ quả tươi xát vào mặt trị mụn. Uống nước vỏ cam nấu chín có tác dụng kích thích nội tiết nước mật, làm tăng nhu động ruột.

Lá cam chữa tai chảy nước vàng hay máu mủ. Lá cây thường dùng cất tinh dầu. Nước cất hoa cam dùng pha chế thuốc.

Kiêng kỵ: Quả cam có vị chua, tính hàn nên không nên dùng với người tạng hàn hay lạnh bụng đầy trướng bụng, tiêu chảy. Người đang cảm lạnh ho đờm loãng, đờm nhiều không dùng.

Người mắc chứng tâm dương hư gặp lạnh hay hồi hộp (tâm quý); gặp gió lạnh hay bị dị ứng ngứa gãi (biểu hàn) cũng không nên dùng.

Cam ăn tuy mát nhưng không nên ăn quá nhiều, làm phổi lạnh sinh nhiều đờm. Hoặc gây đầy trướng bụng, tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi.

Mời các bạn xem video sau:

chế độ ăn uống lành mạnh giàu dinh dưỡng, cá và rau quả giúp tăng đề kháng phòng ngừa COVID-19.



Lương y: Nguyễn Minh Phúc
Ý kiến của bạn