Do đó, trong Nghị quyết 21-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu vừa tăng tuổi thọ đồng thời tăng cả số năm sống khỏe mạnh cho người cao tuổi.
Tuổi thọ của người Việt ngày càng cao
Thực tiễn ở nước ta cho thấy, vai trò của người cao tuổi rất quan trọng trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, cả nước có hơn 8,7 triệu người cao tuổi. Đây là lớp người có công lớn với đất nước, đã trải qua hai cuộc kháng chiến và xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn, đến nay vẫn tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tài năng đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày nay, người cao tuổi có vị trí, vai trò hết sức quan trọng bởi người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm và những phẩm chất đáng quý cần trau dồi nhiều năm mới có được. Không chỉ thế, người cao tuổi còn luôn là cây cao bóng cả, có nhiều đóng góp cho xã hội như trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cháu, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào mái ấm gia đình…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng, nếu năm 1960 tuổi đời của người Việt trung bình chỉ đạt 40 năm (thế giới là 48 năm) thì đến nay tuổi thọ của người Việt đã tăng lên 73,2 (tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm gần 7% dân số) vượt tuổi thọ trung bình của thế giới (trung bình thế giới là 69 tuổi). Dự báo, đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt sẽ tăng lên 80,4 tuổi.
Phấn đấu đến năm 2030, người cao tuổi có thời gian sống khỏe tổi thiểu 68 năm.
Khó khăn trong công tác chăm sóc người cao tuổi
Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 chiếm 10% dân số. Dự báo đến năm 2030 Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn do người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, gắn với nghề nông nhưng tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thiên tai nhiều dẫn tới đời sống vật chất còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo số liệu điều tra quốc gia về người cao tuổi năm 2011, trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp…, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Không những vậy, người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác. Chính vì vậy, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt khá cao so với thế giới, song tuổi khỏe mạnh lại thấp, chỉ 64 tuổi.
Tăng tuổi thọ song hành cùng tăng số năm sống khỏe
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người cao tuổi đối với gia đình, xã hội cũng như những vấn đề tồn tại trong công tác chăm sóc người cao tuổi, Nghị quyết 21-NQ/TW nêu rõ cần thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.
Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết 21 chỉ ra biện pháp thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi.