Hà Nội

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là gì?

06-08-2015 08:36 | Giới tính
google news

SKĐS - Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh lý lành tính và tăng theo tuổi, Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng nhiều. đây là nguyên nhân hàng đầu gây triệu chứng rối loạn đi tiểu ở nam giới trên 50 tuổi.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, hình hạt đậu, nằm bên dưới bàng quang và bao bọc đoạn đầu niệu đạo hay đường tiểu ở nam giới, chức năng của tuyến tiền liệt là tiết ra tinh dịch góp phần nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng, kích thước bình thường của tuyến tiền liệt khoảng 15 - 25ml. Thường kích thước tuyến tiền liệt sẽ lớn dần theo tuổi.

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoàn toàn khác với ung thư tuyến tiền liệt và cũng không tiến triển thành ung thư tuyến tiền liệt, ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, trên cùng một người bệnh, có thể vừa tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt vừa ung thư tuyến tiền liệt.

Triệu chứng của tăng sinh tuyến tiền liệt là gì?

Không phải tất cả các trường hợp bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều bị rối loạn đi tiểu. Chỉ khoảng 40% các trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt sẽ bị rối loạn đi tiểu. Nguyên nhân tiền liệt tuyến to sẽ chèn ép vào niệu đạo làm tắc nghẽn lối ra của tia nước tiểu

Các rối loạn đi tiểu của người bệnh thường được chia làm hai nhóm chính:

- Nhóm triệu chứng bế tắc: tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu ngắt quãng, cảm giác tiểu không hết.

- Nhóm triệu chứng kích thích: tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm.

 

Làm sao để sống chung với tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt?

Do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh lý rất thường gặp, tần suất tăng theo tuổi và không phải tất cả các trường hợp bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, khi có hoặc không có triệu chứng rối loạn đi tiểu thì các thay đổi lối sống sẽ giúp cho người bệnh có thể sống chung một cách thoải mái với bệnh hơn.

Các thay đổi lối sống bao gồm: giảm uống hoặc bỏ rượu và cà phê. Uống một lượng nước nhỏ cả ngày chứ không phải là uống số lượng lớn cùng một lúc. Tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ. Đi tiểu ngay sau khi có cảm giác mắc tiểu. Thư giãn, tránh căng thẳng và tập thể dục thường xuyên. Điều quan trọng nhất là đi khám bác sĩ ngay sau khi nhận thấy các triệu chứng rối loạn đi tiểu của bệnh.

CNĐD. LÊ THỊ ANH ĐÀO

Mời xem tiếp bài 2: Khi nào nên phẫu thuật tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt? ra ngày 7/8/2015

 

 


Ý kiến của bạn