Tặng pháo hoa làm quà Tết sẽ bị xử phạt

08-01-2024 18:04 | Pháp luật

SKĐS - Theo luật sư, pháo không được xem là quà tặng. Hành vi biếu tặng pháo hoa không nổ cho người thân, khách hàng là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghiêm cấm cho, tặng các loại pháo hoa

Vào dịp Tết Nguyên đán, pháo hoa không nổ là mặt hàng được nhiều người tìm mua và săn đón. Đồng thời, nhiều người đã sử dụng pháo hoa làm quà tặng tới khách hàng, người thân...Tuy nhiên đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.

Tặng pháo hoa làm quà Tết sẽ bị xử phạt- Ảnh 1.

Nghiêm cấm hình thức trao đổi, tặng, cho pháo hoa.

Theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

Như vậy, chiếu theo quy định trên thì pháo không được xem là quà tặng. Hành vi biếu tặng pháo hoa không nổ là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với hình thức cho tặng pháo hoa sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Phải chứng minh nguồn gốc pháo hoa được đốt

Luật sư Diệp Năng Bình thông tin, cá nhân hoặc tổ chức mua pháo của Bộ Quốc phòng sản xuất thì trước khi đốt không cần phải báo cơ quan chức năng. Tuy vậy, khi có cơ quan công an đến kiểm tra, người tổ chức đốt pháo phải xuất trình giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Tặng pháo hoa làm quà Tết sẽ bị xử phạt- Ảnh 2.

Người dân chỉ được đốt pháo hoa không nổ khi có hoá đơn mua hàng.

Những người đốt loại pháo không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ, hành vi vi phạm.

Nếu khi bị kiểm tra mà người dân không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sử dụng loại pháo hoa không được phép thì theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Cá nhân không được phép "mua đi bán lại" pháo hoa

Tình trạng cá nhân mua bán pháo hoa đang diễn ra nhộn nhịp trên thị trường, đặc biệt là trên mạng xã hội. Theo nhiều bài đăng quảng cáo trên facebook, zalo... pháo hoa được giới thiệu là của Nhà máy Z121 (Công ty TNHH MTV Hóa chất 21).

Nhà máy Z121 cũng đã thông báo thông tin về các cửa hàng, đại lý trên cả nước và niêm yết giá sản phẩm pháo hoa. Tuy nhiên, hiện nay, pháo hoa đang được bán tràn lan, đặc biệt trên mạng xã hội

Tặng pháo hoa làm quà Tết sẽ bị xử phạt- Ảnh 3.

Cá nhân không được phép bán pháo hoa trên mạng xã hội.

Hiện tại, nhà máy Z121 phân phối sản phẩm pháo hoa tại hệ thống 206 cửa hàng ở 56 tỉnh, thành trên toàn quốc. Để đảm bảo tính pháp lý, trên mỗi hộp pháo hoa in rõ chủng loại, số lô, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, hoá đơn chứng từ hợp lệ để xuất trình cho các cơ quan chức năng kiểm tra.

Nhằm tránh vô tình tiếp tay, gây mất ổn định thị trường pháo hoa cũng như tránh mua phải hàng giả, bị lừa đảo, người dân nên tìm mua, giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng được ủy quyền. Khi mua phải xác lập giấy tờ, hợp đồng rõ ràng để có căn cứ giải quyết khi phát sinh tranh chấp, hàng giả, hàng nhái, luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Pháo hoa giả, nhái bắt đầu xuất hiện trên thị trường, chỉ cần mẹo nhỏ này là phân biệt được pháo hoa Z121 "xịn"Pháo hoa giả, nhái bắt đầu xuất hiện trên thị trường, chỉ cần mẹo nhỏ này là phân biệt được pháo hoa Z121 'xịn'

SKĐS - Thời điểm cuối năm, trên các nền tảng thương mại bắt đầu xuất hiện các bài rao bán pháo hoa với nhiều mức giá. Tuy nhiên, không ít người đã mua phải pháo hoa giả, tiền mất tật mang và nguy cơ gây nguy hiểm.




Đan Tâm
Ý kiến của bạn