Tăng nhãn áp có thể gây mù, dùng thuốc thế nào?

08-11-2021 12:01 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng nhãn áp là căn bệnh nguy hiểm thứ hai có thể dẫn đến mù lòa chỉ sau đục thủy tinh thể. Mục tiêu điều trị là làm giảm nhãn áp để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất thị lực. Vậy có thuốc nào để điều trị?

1. Tăng nhãn áp là gì?

Bệnh tăng nhãn áp hay còn có tên gọi khác là bệnh thiên đầu thống, cườm nước, glaucoma. Bệnh tăng nhãn áp là một bệnh của dây thần kinh thị giác (truyền hình ảnh bạn nhìn thấy từ mắt đến não). Dây thần kinh thị giác được tạo thành từ nhiều sợi thần kinh (giống như một sợi cáp điện với nhiều dây dẫn).

 Bệnh tăng nhãn áp làm tổn thương các sợi thần kinh, có thể gây ra điểm mù và giảm thị lực.

Tăng nhãn áp và thuốc điều trị - Ảnh 1.

Nếu không được điều trị, bệnh tăng nhãn áp sẽ gây mất dần thị lực và dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Bệnh tăng nhãn áp liên quan đến áp suất bên trong mắt, được gọi là nhãn áp (IOP). Khi thủy dịch (chất lỏng trong suốt do thể mi tiết ra) không thể thoát ra ngoài đúng cách, áp lực sẽ tích tụ trong mắt. Kết quả là sự gia tăng IOP có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác và dẫn đến mất thị lực.

Bệnh tăng nhãn áp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, ở các mức độ khác nhau. Nếu không được điều trị, bệnh tăng nhãn áp sẽ gây mất dần thị lực và dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. 

Bệnh tăng nhãn áp được mô tả là góc mở hoặc góc đóng, tùy thuộc vào cơ chế gây tắc nghẽn dẫn lưu. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp là tuổi trên 40, cận thị nặng, tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp, tiểu đường và tăng huyết áp... Người gốc Á có nhiều nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính.

2. Mục tiêu điều trị tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp không thể chữa khỏi và không thể phục hồi tổn thương. Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn các tổn thương thêm cho thị lực. Mục tiêu của điều trị bệnh tăng nhãn áp là làm giảm nhãn áp để ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất thị lực. 

Hiện nay, cách điều trị bệnh tăng nhãn áp hiệu quả nhất là giảm nhãn áp bằng cách sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp, điều trị bằng laser, phẫu thuật mắt hoặc kết hợp các biện pháp này dựa trên loại bệnh tăng nhãn áp, mức độ nghiêm trọng, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các cơ chế liên quan chủ yếu là thông qua việc cải thiện sự thoát dịch của chất lỏng trong mắt hoặc giảm lượng chất lỏng được tạo ra trong mắt.

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính phát triển nhanh chóng, vì vậy tình trạng này cần được điều trị kịp thời. 

Có nhiều lựa chọn để điều trị bệnh tăng nhãn áp, bao gồm thuốc nhỏ mắt, thủ thuật laser và phẫu thuật. Tất cả đều nhằm mục đích giảm nhãn áp và do đó, bảo vệ dây thần kinh thị giác.

3. Các thuốc điều trị tăng nhãn áp

Hiện nay, thuốc nhỏ mắt thường là lựa chọn hàng đầu để điều trị cho bệnh nhân. Đối với nhiều người, kết hợp thuốc và điều trị bằng laser có thể kiểm soát nhãn áp một cách an toàn trong nhiều năm.

Thuốc nhỏ mắt được sử dụng để kiểm soát bệnh tăng nhãn áp làm giảm nhãn áp bằng cách giúp chất lỏng trong mắt thoát ra tốt hơn và / hoặc giảm lượng chất lỏng do mắt tạo ra.

Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp được phân loại theo thành phần hoạt chất, bao gồm: Chất tương tự prostaglandin, thuốc chẹn beta, chất chủ vận alpha, chất ức chế anhydrase carbonic... Ngoài ra, thuốc kết hợp có sẵn cho những bệnh nhân yêu cầu nhiều hơn một loại thuốc. Một loại thuốc cũ hơn, các chất chủ vận cholinergic (như pilocarpine) ngày nay không được sử dụng phổ biến do tác dụng phụ của chúng.

3.1 Thuốc nhỏ mắt

- Prostaglandin: Loại thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp này thường được người dùng tuân thủ tốt nhất do chỉ yêu cầu nhỏ một lần mỗi ngày. Các thuốc này hoạt động bằng cách tăng lưu lượng dịch ra khỏi mắt từ đó làm giảm nhãn áp. Thuốc có ít tác dụng phụ toàn thân nhưng có liên quan đến những thay đổi đối với mắt, bao gồm thay đổi màu mống mắt và sự phát triển của lông mi. 

- Thuốc chẹn beta: Được dùng trong nhiều loại thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp, thuốc chẹn beta từng là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh tăng nhãn áp. Những thuốc này có tác dụng bằng cách làm giảm tiết dịch trong mắt và hiện nay thường được kê làm thuốc bổ sung cho hoặc kết hợp với thuốc prostaglandin.

Tuy nhiên thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ bất lợi ở những người có bệnh về tim, phổi, tiểu đường, trầm cảm hoặc. Vì vậy, cần trao đổi kỹ với bác sĩ nhãn khoa về bệnh sử trước khi sử dụng thuốc.

- Thuốc chủ vận alpha-adrenergic: Thuốc có tác dụng làm giảm tốc độ tiết dịch và có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp với thuốc nhỏ mắt kháng bệnh tăng nhãn áp. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm đỏ mắt, giãn đồng tử và ngứa.

- Thuốc ức chế carbonic anhydrase (CAI): Loại thuốc này tác dụng bằng cách giảm tốc độ tiết dịch. Chúng thường được dùng kết hợp với các thuốc nhỏ mắt kháng bệnh tăng nhãn áp khác hoặc dùng độc lập. Loại thuốc này cũng được sử dụng dưới dạng thuốc viên. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm nóng rát, các phản ứng mí mắt và đỏ mắt.

Khoảng một nửa số bệnh nhân không thể dung nạp CAI dạng uống do những tác dụng phụ toàn thân của nó như mệt mỏi, trầm cảm, ăn không ngon miệng, sụt cân, giảm ham muốn tình dục, sỏi thận, vị kim loại và ngứa ran ở ngón tay và ngón chân (các dây thần kinh ngoại biên).

- Hợp chất epinephrine: Thuốc có tác dụng làm giảm tốc độ tiết dịch và tăng thoát dịch khỏi mắt.

- Thuốc điều trị kết hợp: Thuốc kết hợp có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho những bệnh nhân cần nhiều loại thuốc. Ngoài sự tiện lợi của việc sử dụng một lọ thuốc nhỏ mắt thay vì hai lọ, việc tiếp xúc với chất bảo quản sẽ giảm. 

Tăng nhãn áp và thuốc điều trị - Ảnh 4.

Người bệnh cần dùng thuốc thường xuyên và theo chỉ định của bác sĩ.

3.2 Thuốc uống trị tăng nhãn áp

Nếu việc điều trị bằng thuốc nhỏ mắt không làm giảm áp lực mắt xuống đến mức mong muốn, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc uống, thường là chất ức chế carbonic anhydrase. Các tác dụng phụ của thuốc ức chế carbonic anhydrase có thể bao gồm phát ban, trầm cảm, mệt mỏi, sỏi thận, hôn mê, đau bụng, giảm cân. Uống thuốc trong bữa ăn có thể làm giảm các tác dụng phụ này.

4. Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị

 - Việc nhớ nhỏ, uống thuốc đều đặn hàng ngày là một trong những thách thức trong điều trị bất kỳ bệnh mãn tính nào và bệnh tăng nhãn áp cũng không ngoại lệ. Một số cách để giúp ghi nhớ việc uống thuốc là đặt lời nhắc hẹn giờ như đồng hồ báo thức hoặc điện thoại di động.

Để thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp phát huy tác dụng, cần dùng thuốc đúng chỉ định và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc nhỏ mắt là tác dụng phụ. Bên cạnh các phản ứng bất lợi cụ thể đối với hoạt chất, kích ứng bề mặt mắt (kết mạc và giác mạc) có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào.

 Sự kích ứng này có thể mới xuất hiện ở một bệnh nhân chưa từng có triệu chứng trước đó hoặc có thể biểu hiện xấu đi của bệnh bề mặt mắt đã có từ trước (như khô mắt). Thuốc không có chất bảo quản hoặc những loại không có chất bảo quản thường hữu ích trong tình huống này.

5. Lời khuyên chung

  • Dùng thuốc tăng nhãn áp thường xuyên và theo đúng chỉ định của đơn thuốc.
  • Thực hiện đúng theo các hướng dẫn sử dụng được ghi trên nhãn thuốc. Để giảm thiểu tác dụng phụ toàn thân do các chế phẩm dùng tại chỗ, hãy nhắm mắt từ một đến hai phút sau khi nhỏ thuốc vào, ấn nhẹ vào khóe mắt gần mũi để đóng ống lệ trong vài phút.
  • Ghi ngày cần vứt bỏ lọ / ống chế phẩm nhỏ mắt khi lần đầu tiên mở lọ / ống mới dựa trên thời hạn ghi nhãn đề xuất trên hộp hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
  • Kính áp tròng nên được lấy ra trước khi nhỏ thuốc.
  • Mặc dù ăn một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ không ngăn ngừa bệnh tăng nhãn áp trở nên tồi tệ hơn, nhưng nó có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. 
  • Hạn chế caffeine vì uống nhiều caffeine có thể làm tăng nhãn áp.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục đều có lợi. Bệnh nhân cũng được khuyên nên kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch để tăng cường lưu thông máu ở đầu dây thần kinh thị giác. Tham khảo với bác sĩ về một chương trình tập thể dục thích hợp.
  • Chấn thương mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng nhãn áp. Đeo kính bảo vệ mắt khi sử dụng thiết bị điện tử hoặc chơi các môn thể thao. Ngoài ra, hãy đội mũ và đeo kính râm nếu dành thời gian ở bên ngoài. Nên tránh chấn thương, đặc biệt là ở những người đã trải qua phẫu thuật tăng nhãn áp.
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn lành mạnh để đối phó với căng thẳng vì căng thẳng có thể kích hoạt cơn tăng nhãn áp góc đóng cấp tính ở những bệnh nhân có nguy cơ.
  • Nếu bị bệnh tăng nhãn áp, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe vì vậy cần thận trọng.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Sau 10 năm lỡ hẹn, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đi vào hoạt động

DS. Nguyễn Thị Trang
Ý kiến của bạn