Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu mắc các bệnh lây này

19-02-2023 11:34 | Hỏi đáp phòng the
google news

SKĐS - Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, có yếu tố không thể phòng ngừa được và có yếu tố có thể kiểm soát được. Trong đó có phòng ngừa mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm khuẩn Chlamydia.

Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung xuất phát từ trong các tế bào của cổ tử cung và thường tiến triển chậm trong thời gian dài. Trước khi ung thư xảy đến, cổ tử cung có một ít thay đổi, các tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện. Sau đó có thể trở thành tế bào ung thư và lan rộng.

Ung thư cổ tử cung có thể điều trị tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, trong đó có các yếu tố không thể phòng ngừa được và có yếu tố kiểm soát được như phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài nhiễm virus u nhú ở người (HPV) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư cổ tử cung thì nhiễm vi khuẩn Chlamydia cũng là một yếu tố nguy cơ.

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, nếu không được điều trị nó có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của phụ nữ và làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Bạn có thể có nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục này - Ảnh 2.

Chlamydia có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản của phụ nữ và làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Theo BS CKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, Chlamydia là một loại vi khuẩn tương đối phổ biến có thể lây nhiễm sang hệ thống sinh sản qua quan hệ tình dục. Phụ nữ bị nhiễm chlamydia thường không có triệu chứng và họ có thể không biết rằng mình bị nhiễm bệnh trừ khi họ được xét nghiệm khi khám phụ khoa. Nhiễm khuẩn Chlamydia có thể gây viêm vùng chậu, dẫn đến vô sinh.

Một số nghiên cứu cho thấy, nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn ở những phụ nữ có xét nghiệm máu và chất nhầy cổ tử cung cho thấy bằng chứng nhiễm khuẩn Chlamydia trong quá khứ hoặc hiện tại. Vi khuẩn Chlamydia có thể giúp HPV phát triển và sống trong cổ tử cung, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Dấu hiệu khi nhiễm Chlamydia

Vi khuẩn Chlamydia có tốc độ phát triển rất nhanh. Con đường lây lan trực tiếp chủ yếu qua đường tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn và miệng. Những người càng có nhiều bạn tình, nguy cơ lây nhiễm càng cao.

Các triệu chứng nhiễm Chlamydia thường xuất hiện trong vòng 1-3 tuần sau khi tiếp xúc. Ở phụ nữ, đầu tiên vi khuẩn sẽ gây nhiễm ở cổ tử cung và niệu đạo, thường có biểu hiện tiết dịch bất thường ở âm đạo hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Khi nhiễm trùng lây lan từ cổ tử cung lên đến ống dẫn trứng, một số người vẫn không có triệu chứng rõ rệt, một số khác có dấu hiệu: đau bụng dưới, đau lưng, buồn nôn, sốt, đau khi giao hợp, hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Nhiễm Chlamydia ở cổ tử cung có thể lây lan sang trực tràng.

Ở nam giới, dấu hiệu nhiễm Chlamydia có thể là tiết dịch từ dương vật hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu. Ngoài ra còn có thể cảm thấy nóng rát và ngứa quanh lỗ sáo dương vật. Đau và sưng tinh hoàn ít gặp hơn.

Nam giới hoặc phụ nữ giao hợp qua đường hậu môn có thể nhiễm Chlamydia ở trực tràng, gây ra đau trực tràng, tiết dịch hoặc chảy máu. Chlamydia còn được tìm thấy trong họng của phụ nữ và nam giới có quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình nhiễm bệnh.

Bạn có thể có nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục này - Ảnh 4.

Quan hệ tình dục không an toàn dễ bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phòng ngừa lây nhiễm Chlamydia như thế nào?

Cách phòng tránh lây nhiễm Chlamydia hiệu quả nhất là khi quan hệ tình dục cần lưu ý các biện pháp sau:

- Sử dụng bao cao su đúng cách.

- Chung thủy với một bạn tình khỏe mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi. Kiểm tra và xét nghiệm định kỳ cho bản thân và bạn tình để phát hiện và điều trị khỏi nếu mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Không quan hệ tình dục trong thời kỳ nhiễm bệnh và khi đang điều trị bệnh. Cần điều trị cho cả bạn tình để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát.

Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ cần tiêm phòng HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư và điều trị kịp thời.

Cần lưu ý thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không nên quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ với nhiều bạn tình. Giữ vệ sinh âm đạo, nhất là sau khi sinh hoạt tình dục. Nếu có viêm nhiễm phụ khoa cần đi khám và điều trị dứt điểm.

Bệnh do virus Marburg có lây qua quan hệ tình dục?Bệnh do virus Marburg có lây qua quan hệ tình dục?

SKĐS - Virus Marburg gây sốt xuất huyết nặng ở người, là một căn bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao đối với người nhiễm virus. Vậy con đường lây nhiễm bệnh thế nào, bệnh có lây qua quan hệ tình dục không?

Xem thêm video đang được quan tâm

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lan truyền qua đường tình dục


Kim Ngân
Ý kiến của bạn