Tăng nguy cơ suy thận do khí hậu cực đoan

14-09-2024 11:54 | Quốc tế

SKĐS - Ngày 13/9, theo The Guardian, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ cực đoan không chỉ gây sốc nhiệt mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim, suy giảm trí nhớ và đặc biệt là suy thận.

Tại một trung tâm lọc máu ở Atlanta, y tá Lauren Kasper là người chăm sóc những bệnh nhân suy thận nặng, nhiều người không thể tự ngồi lên xe lăn. Một số bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới ở độ tuổi 20, 30, nhưng đã phải đối mặt với căn bệnh nghiêm trọng này.

Tăng nguy cơ suy thận do khí hậu cực đoan- Ảnh 1.

Một công nhân xây dựng đang giải nhiệt trong đài phun nước ở Washington DC giữa đợt nắng nóng vào ngày 19/7/2019. (Nguồn: Getty Images)

Năm 2022, ý tá Kasper đã viết một nghiên cứu về bệnh sử của những bệnh nhân này. Hầu hết họ từng làm các công việc nặng nhọc ngoài trời như xây dựng, nông nghiệp, khiến họ tiếp xúc với nhiệt độ cực cao và hóa chất độc hại. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, nhất là trong bối cảnh khí hậu nóng lên.

Y tá Kasper giải thích rằng nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm có thể gây mất nước, dẫn đến tổn thương thận. Vào mùa hè năm nay, phần lớn nước Mỹ đã trải qua nhiệt độ cao kỷ lục, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe lâu dài của người dân.

Tiếp xúc với nhiệt độ cao buộc hệ tim mạch phải hoạt động mạnh mẽ để giữ nhiệt độ cơ thể an toàn. Theo thời gian, sự quá tải này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như tim và thận, đặc biệt là ở những người làm việc ngoài trời.

Kristie Ebi, giáo sư tại Đại học Washington, cho biết: "Những người lao động ngoài trời có nguy cơ cao mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là suy thận không rõ nguyên nhân. Nhiều nghiên cứu hơn sẽ giúp phát hiện các nguy cơ khác".

Trong vài thập kỷ gần đây, nhiều người trẻ ở Sri Lanka, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ đã phải điều trị lọc máu do tổn thương thận mà không có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường hay cao huyết áp. Nhiệt độ cao có thể là một yếu tố gây ra bệnh thận, bên cạnh các yếu tố khác như thuốc trừ sâu, nước ô nhiễm hoặc sử dụng thuốc giảm đau.

Roxana Chicas, giáo sư tại Đại học Emory, cho rằng sự kết hợp giữa mất nước và tiếp xúc với nhiệt độ cao là nguyên nhân chính gây suy thận ở những người làm nông. Nhiệt độ cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận, dẫn đến viêm và tổn thương.

Tăng nguy cơ suy thận do khí hậu cực đoan- Ảnh 2.

Những người làm nông trại thực hiện công việc hái rau diếp cực nhọc ở thung lũng Trung tâm California. (Nguồn: The Guardian)

Shuchi Anand, bác sĩ tại Đại học Stanford, nói rằng nhiệt độ là một yếu tố gây tổn thương thận theo thời gian. Những người làm nông, đặc biệt là lao động nhập cư, thường không được nghỉ ngơi đầy đủ do hệ thống trả lương theo sản phẩm không khuyến khích nghỉ uống nước.

Giáo sư Chicas công bố một nghiên cứu cho thấy những công nhân này có nguy cơ cao bị chấn thương thận do cố gắng hái nhiều trái cây và rau quả trong điều kiện nắng nóng. Nhiều công nhân phải trở về quê hương vì không được chăm sóc y tế đầy đủ tại Mỹ.

Hiện nay, chỉ một số bang ở Mỹ có tiêu chuẩn về phơi nhiễm nhiệt. Trong khi đó, các bang như Florida và Texas thậm chí còn cấm ban hành các biện pháp bảo vệ người lao động khỏi nắng nóng. Vào tháng 7, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất một tiêu chuẩn quốc gia để bảo vệ khoảng 36 triệu lao động khỏi tác động của nhiệt độ cao.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của phơi nhiễm nhiệt lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng. Giáo sư Kristie Ebi nhấn mạnh, con người có khả năng thích nghi với môi trường nhiệt độ khác nhau, nhưng Giáo sư Roxana Chicas cảnh báo rằng những gì đang xảy ra với người làm nông có thể là dấu hiệu cho thấy nguy cơ bệnh thận đối với tất cả mọi người trong điều kiện khí hậu nóng lên.

FDA điều tra băng vệ sinh chứa kim loại độc hạiFDA điều tra băng vệ sinh chứa kim loại độc hại

SKĐS - Ngày 11/9, theo US News, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe phụ nữ từ các kim loại nặng như chì và asen có trong băng vệ sinh.


Xuân Minh
(Theo The Guardian)
Ý kiến của bạn