Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu gần 82.000 bệnh nhân ở Hoa Kỳ, được đánh giá về chứng rối loạn giấc ngủ từ năm 2015 đến năm 2020. Trong số đó, gần 1.500 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tổng cộng, 224 người phải nhập viện, 61 người trong phòng chăm sóc đặc biệt và / hoặc tử vong. Kết quả cho thấy, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị có liên quan đến tỷ lệ nhiễm COVID-19 và mắc COVID-19 nghiêm trọng cao hơn. Việc tuân thủ điều trị CPAP (thở áp lực dương liên tục), ít nhất bốn giờ một đêm trong thời kỳ đại dịch, cho thấy giảm tỷ lệ nhiễm trùng này.
Các nhà nghiên cứu cũng ngạc nhiên rằng những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ, sử dụng liệu pháp CPAP thường có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thậm chí còn thấp hơn những bệnh nhân không bị ngừng thở khi ngủ.
Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một thiết bị phổ biến được chỉ định để điều trị phần lớn các tình trạng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Máy CPAP sẽ thổi không khí (có hoặc không có oxy) từ máy nén vào trong mặt nạ mà bệnh nhân đang đeo vừa vặn trên mũi hoặc miệng trong khi ngủ. Luồng không khí sẽ hoạt động như một thanh nẹp để giữ cho đường thở không bị hẹp lại. Điều này giúp ngăn ngừa sự tắc nghẽn là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ngưng thở. Áp lực không khí được điều chỉnh để giúp kiểm soát tình trạng ngưng thở tốt nhất. Khi sử dụng máy CPAP tình trạng ngáy cũng giảm đi rất nhiều.
Theo các nhà khoa học, bệnh nhân ngưng thở khi ngủ cũng có xu hướng xuất hiện ở người lớn tuổi hơn và những bệnh nhân lớn tuổi càng phải thận trọng trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và các hành vi khác liên quan đến đại dịch.