Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nếu thiếu chất dinh dưỡng này

29-09-2024 14:40 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chế độ ăn uống có vai trò nhất định đối với bệnh Alzheimer - căn bệnh hàng đầu gây ra tình trạng sa sút trí tuệ. Các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ magie thấp và nguy cơ mắc một số bệnh thoái hóa như Alzheimer.

1. Mối liên hệ giữa magie và bệnh Alzheimer

Mối quan tâm đến tình trạng magie kém như một yếu tố nguy cơ đối với bệnh Alzheimer đang gia tăng do đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh của nó. Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một mối liên hệ giữa mức magie trong cơ thể và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Magie là một khoáng chất thiết yếu cho hàng trăm chức năng của cơ thể. Cơ thể cần magie để hoạt động bình thường của dây thần kinh, co cơ, nhịp tim, huyết áp và kiểm soát lượng đường trong máu. Magie cũng giúp sản xuất năng lượng, góp phần vào sự phát triển của xương, giúp tổng hợp protein và vật liệu di truyền DNA và RNA.

Magie tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng cho tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh. Nó giúp ổn định màng tế bào thần kinh, điều hòa sự truyền dẫn tín hiệu thần kinh, đồng thời có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương.

Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nếu thiếu chất dinh dưỡng này- Ảnh 1.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sa sút trí tuệ ở con người.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh Alzheimer là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển, là nguyên nhân chính gây ra chứng mất trí nhớ và tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer ngày càng tăng trên toàn thế giới là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Các nghiên cứu dịch tễ học ngày càng tăng cho thấy chế độ ăn uống và dinh dưỡng là yếu tố nguy cơ quan trọng có thể thay đổi được đối với bệnh Alzheimer. Thiếu magie trong huyết thanh hoặc não của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer đã được chứng minh là có liên quan đến Alzheimer. Nghiên cứu hiện tại cho thấy việc bổ sung hoặc phục hồi magie có thể là một phương pháp tiếp cận mới để điều trị Alzheimer.

Gần đây, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ magie thấp với nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa mạn tính cao như bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu ở Úc đã lấy mẫu máu từ 172 người lớn tuổi trung niên và kiểm tra nồng độ magie, homocysteine, folate và vitamin B12. Họ cũng tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy tổn thương DNA.

Một yếu tố quan trọng trong nghiên cứu này là một loại acid amin có tên là homocysteine, được chuyển hóa từ thực phẩm chúng ta ăn. Nồng độ homocysteine cao trong máu có liên quan đến nguy cơ tổn thương DNA tăng cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng tổn thương có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh như chứng mất trí, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson, cũng như các khuyết tật ống thần kinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người tham gia có mức magie thấp hơn có xu hướng có mức homocysteine cao hơn và ngược lại. Những người có mức magie cao hơn cũng có biểu hiện mức folate và vitamin B12 cao hơn .

Nồng độ magie thấp và homocysteine cao có liên quan đến các dấu hiệu sinh học gây tổn thương DNA cao hơn, có thể có nguy cơ mắc một số bệnh thoái hóa mạn tính như Alzheimer tăng lên.

Theo các nhà khoa học Trung tâm Thần kinh, Đại học Quốc gia Úc, bổ sung magie nhiều hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày giúp tăng sức khỏe não bộ. Lượng magie hấp thụ cao hơn trong chế độ ăn uống từ khi còn trẻ có thể bảo vệ chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh và suy giảm nhận thức khi chúng ta bước vào độ tuổi 40.

2. Bổ sung magie thế nào là hiệu quả?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết mọi người có thể hấp thụ đủ lượng magie cần thiết thông qua chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng. Do đó, cách tốt nhất là áp dụng phương pháp tiếp cận các loại thực nguyên chất giàu chất dinh dưỡng như magie thường xuyên.

Đối với những người mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định có nguy cơ bị suy giảm khả năng hấp thụ magie như bệnh đường tiêu hóa, đái tháo đường hoặc nghiện rượu có thể cần dùng thực phẩm bổ sung, tuy nhiên cần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu magie hàng ngày của người tuổi 20-69, nam giới cần đủ 340-379mg/ngày; nữ giới cần 270 -290mg/ngày.

Để cung cấp đủ magie cho cơ thể, trong thực đơn ăn uống hằng ngày cần lựa chọn các thực phẩm giàu magie như: hải sản, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, vừng, lạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt…

Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nếu thiếu chất dinh dưỡng này- Ảnh 3.

Hạt bí ngô rất giàu magie.

3. Danh sách thực phẩm lành mạnh giàu magie

Các loại hạt: Các loại hạt có hàm lượng magie đặc biệt cao bao gồm: hạnh nhân, hạt điều, hạt lanh, hạt chia, hạt bí ngô... Ví dụ một khẩu phần hạt điều 28g chứa 83mg magie. Hạt bí ngô là một nguồn magie đặc biệt tốt, với 168mg trong một khẩu phần 28g.

Các loại đậu: bao gồm đậu lăng, đậu gà, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu đen. Ví dụ, một 1 cốc (172g) đậu đen nấu chín chứa tới 120mg.

Đậu phụ: Trong 100g đậu phụ chứa 35mg.

Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch, kiều mạch, hạt diêm mạch là nguồn cung cấp tuyệt vời nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có magie. Ví dụ, một khẩu phần kiều mạch nấu chín (168g) chứa 86mg magie.

Một số loại cá béo: Cá béo như cá hồi, cá thu và cá bơn có hàm lượng magie cao. Một khẩu phần cá hồi nấu chín (100g) chứa 30mg magie.

Sôcôla đen: Sôcôla đen có tới 65mg trong một khẩu phần 28g.

Quả bơ: Một quả bơ cỡ trung bình cung cấp 58mg magie.

Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh có hàm lượng magie đáng kể bao gồm cải xoăn, rau bina, cải xanh... Ví dụ, một khẩu phần rau bina nấu chín (180g) có 158mg magie.

Top 10 loại rau mùa thu thơm ngon giúp tăng cường sức khỏeTop 10 loại rau mùa thu thơm ngon giúp tăng cường sức khỏe

SKĐS - Rau củ là thực phẩm lành mạnh rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ bảo vệ cơ thể ngăn ngừa một số bệnh như tim mạch, đái tháo đường. Mùa thu là mùa có rất nhiều loại rau thơm ngon, giàu dinh dưỡng chúng ta không nên bỏ lỡ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh Alzheimer trẻ hóa, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên.


Vân Anh
Ý kiến của bạn