Hà Nội

Tăng nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân tiểu đường trong đại dịch COVID-19

30-07-2020 14:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu của các nhà khoa học Ý mới đây cho thấy, bệnh nhân đái tháo đường bị loét chân tăng nguy cơ bị cắt cụt chi trong đại dịch COVID-19...

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đăng trên tập san Chăm sóc bệnh tiểu đường của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường được đưa vào trung tâm chăm sóc điều trị loét bàn chân đái tháo đường (DFU) trong dịch COVID-19 ở Ý có nguy cơ cắt cụt chi cao hơn ba lần so với bệnh nhân được điều trị cùng thời điểm năm 2019.

TS Paola Caruso, Đại học Campania ở Ý và các đồng nghiệp đã đánh giá các đặc điểm lâm sàng và nguy cơ cắt cụt chi ở những người mắc bệnh tiểu đường được chăm sóc tại DFU trong thời gian dịch COVID-19 (từ 9/3/2020 đến ngày 18/5/2020 với 63 bệnh nhân) và so sánh kết quả với 38 bệnh nhân được chăm sóc trong năm tháng đầu năm 2019.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát không có sự khác biệt đáng kể trong các biện pháp lâm sàng và sinh hóa, ngoại trừ tỷ lệ albumin-creatinine trong nước tiểu, cao hơn đáng kể trong nhóm bệnh nhận năm 2020. Không có sự khác biệt nhìn thấy trong thời gian loét, tỷ lệ lưu hành của bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thần kinh và viêm tủy xương hoặc tỷ lệ bệnh nhân báo cáo tiền sử DFU trước đó. Trong nhóm 2020 so với nhóm 2019, tỷ lệ hoại thư cao hơn đáng kể (64% so với 29%) và tỷ lệ bệnh nhân cần cắt cụt cao hơn (60% so với 18%). Đối với nhóm 2020, nguy cơ cắt cụt tương đối là 3,26 so với nhóm 2019 và con số này giảm xuống còn 2,50 khi điều chỉnh theo giới tính.

Theo các tác giả, nguy cơ cắt cụt chi cao hơn được ghi nhận trong dịch COVID-19, xác nhận sự cần thiết phải quản lý kịp thời và đúng cách các bệnh nhân DFU để ngăn chặn các kết quả nghiêm trọng làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn