Hà Nội

Tăng mỡ máu và cách kiểm soát

25-04-2019 08:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tăng mỡ máu là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành (trẻ em có thể bị tăng mỡ máu nhưng tỷ lệ rất thấp), đặc biệt là người cao tuổi.

Mỡ máu tăng cao kéo dài có thể gây nên một số hậu quả xấu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Vậy, nên làm gì để kiểm soát mỡ máu?

Mỡ máu bao gồm một số thành phần chính như cholesterol toàn phần, cholesterol tốt, cholesterol xấu, lipoprotein, apoprotein, axít béo tự do, phospholipid và triglyceride. Trong đó, các loại cholesterol chiếm đến 60-70%. Mỡ máu rất cần thiết cho sự sống của cơ thể để duy trì mọi hoạt động bình thường, tuy vậy, khi mỡ máu cao kéo dài sẽ bất lợi cho sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân do đâu?

Trong các thành phần mỡ máu, cholesterol, lipoprotein, apoprotein và triglycerit đóng một vai trò hết sức quan trọng, đáng quan tâm nhất là  cholesterol và triglyceride. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng mỡ máu, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng (ăn quá nhiều, lặp lại nhiều lần các loại thịt đỏ như thịt chó, thịt bò hoặc ăn nhiều phủ tạng động vật, tiết canh, uống nhiều rượu bia,...), hoặc do chế độ sinh hoạt không hợp lý (ít hoặc lười vận động), và có thể có yếu tố di truyền, yếu tố gia đình, hoặc do lão hóa (các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa bởi thời gian, trong có các bộ phận như gan, mật.

Tăng mỡ máu có thể do tuổi tác và giới tính. Các nghiên cứu thấy rằng estrogen ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất béo và ảnh hưởng gián tiếp đến các mạch máu. Nữ giới đang trong độ tuổi từ 15-45 tuổi thường có tỉ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mãn kinh, lượng triglyceride và cholesterol xấu càng ngày càng tăng (mỡ máu tăng) và làm tăng khả năng bị mắc bệnh xơ vữa động mạch ở nữ giới. Nếu bị béo phì, nguy cơ tăng mỡ máu có thể xảy ra. Thật vậy, các nhà nghiên cứu phân tích, trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, đặc biệt, các chất béo thường hay xuất hiện tập trung ở vùng bụng thay vì ở phần ngực hay hông, đùi. Bên cạnh đó, stress (căng thẳng thần kinh) là một trong các nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh tăng mỡ máu. Ngoài ra, ít vận động, uống nhiều rượu, bia, hút thuốc, mắc một số bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc thiểu năng tuyến giáp có thể khiến lượng mỡ trong máu tăng cao.

Khi bị tăng mỡ máu, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Khi bị tăng mỡ máu, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Diễn biến âm thầm

Bệnh tăng mỡ máu hầu như chỉ được phát hiện một cách tình cờ nhân khám bệnh hoặc khám sức khỏe định kỳ. Ở những người trẻ, các dấu hiệu của bệnh thường khá thầm kín, khó có thể nhận biết được. Đối với người cao tuổi khi tăng mỡ máu sẽ có một vài triệu chứng rõ ràng hơn bởi họ thường mắc thêm một số bệnh khác và sức khỏe đã giảm đáng kể. Vì vậy, có thể xuất hiện một số biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, đau ngực, đau đầu, nhịp tim nhanh, thở gấp gáp. Khi tăng mỡ máu kéo dài gây xơ vữa động mạch, có thể xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm khi lòng mạch bị hẹp hoặc mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch.

Biến chứng do tăng mỡ máu

Mỡ máu cao là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, nhưng nếu mỡ máu tăng cao kéo dài sẽ gây nên nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng về hệ tim mạch, nếu không phát hiện sớm, điều trị và dự phòng tốt. Bởi vì, mỡ máu tăng cao sẽ lắng đọng vào trong lòng mạch máu (động mạch), tạo ra các mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch cản trở sự lưu thông hoặc tắc nghẽn mạch máu, đặc biệt là mạch máu nuôi tim (động mạch vành), mạch máu nuôi não (mạch máu não). Nếu mảng xơ vữa dày lên sẽ làm tắc mạch máu hoặc làm vỡ mạch máu. Nếu mảng xơ vữa bị bong ra đi theo dòng máu đến cơ quan nào mạch máu nhỏ sẽ gây tắc mạch máu (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não) gây nên các tai biến, nếu không kịp thời cấp cứu có thể tử vong hoặc nếu qua khỏi cơn nguy kịch (tai biến mạch máu não) sẽ để lại di chứng nặng nề (liệt, rối loạn tâm thần,...). Ngoài ra, mỡ máu tăng cao còn có thể gây tắc mạch ở ruột gây hoại tử ruột, ở chi gây tắc mạch máu chi gây đau đớn, hoại tử hoặc gây viêm tụy, bệnh lý tiểu đường týp 2, tê chân, bệnh gan nhiễm mỡ...

Nguyên tắc điều trị

Cần được khám bệnh để được xác định cụ thể và được điều trị đúng, sớm. Người bệnh không nên tự đoán bệnh hoặc nghe theo người không có chuyên môn về y học, chỉ bắt mạch đã cho rằng bị tăng mỡ máu và dùng thuốc không rõ nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm.

Cách gì để hạn chế tăng mỡ máu?

Để hạn chế mỡ máu cao, mọi người, đặc biệt người cao tuổi cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, nên hạn chế  ăn các loại thức ăn có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt, da ngỗng, các loại thịt đỏ, tôm và mỡ, lòng động vật. Hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa trans fat (các loại chiên rán, nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần như quẩy, thịt rán, mì ăn liền). Nếu bị béo phì, nên giảm béo một cách từ từ, không nóng vội, không dùng các loại dược phẩm, thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được phép của nhà chức trách. Hạn chế hoặc bỏ rượu, bia khi đã tăng mỡ máu.

Cần vận động cơ thể thường xuyên và đúng bài bản, ví dụ như tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ hoặc đi bộ. Đi bộ nên thực hiện khoảng 60 phút mỗi ngày, không đi bộ vào lúc trời nắng hoặc mưa, lạnh. Ngoài ra, người cao tuổi cần đi khám bệnh định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng sử dụng thuốc giảm mỡ máu hợp lý.


BS. Nguyễn Đình Tuấn
Ý kiến của bạn