Tăng lương từ 1/7 - tâm sự người trong cuộc

21-03-2024 16:26 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Tôi hiện đang công tác ở Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam, là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, vừa là cơ sở giáo dục vừa là cơ sở y tế nên có cả hai đội ngũ giáo viên và bác sĩ là hai đội ngũ đang được xã hội quan tâm.

Trường chúng tôi có đội ngũ giảng viên khá đông. Chúng tôi đều kỳ vọng rất nhiều vào những điểm mới tích cực trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Cụ thể, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng, đồng thời, việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo hệ số x mức lương cơ sở như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm, là con số cụ thể, đảm bảo không thấp hơn lương hiện nay đang được hưởng.

Trước đây lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp chiếm đến 70-80% thu nhập, phụ cấp cao hơn lương rất nhiều. Bởi, khi thấy lương thấp thì thêm các loại phụ cấp vào. Phụ cấp không phản ánh đúng sức lao động mà phải là lương. Lương phải chiếm 70%, phụ cấp không quá 30%.

Phụ cấp thâm niên hay những cái khác sẽ được tính toán để thiết kế lương theo vị trí việc làm, chức vụ lãnh đạo quản lý, quan điểm của Nghị quyết 27 đó là tiền lương mới không thấp hơn lương hiện hành. Cùng với đó, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu), việc này sẽ hóa giải được câu chuyện phụ cấp cao hơn lương và chuyện "sống lâu lên lão làng", tiền lương sẽ được thiết kế theo vị trí việc làm.

Một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, bởi vì Nhà nước đang chủ trương thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Nhất là qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa. Khi cải cách tiền lương, sẽ có điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Chúng tôi đều tin rằng, sau 1/7 lương của chúng tôi sẽ được tăng lên so với trước đây. Bởi lẽ, Nghị quyết 27 khẳng định, việc thực hiện cải cách tiền lương không làm giảm lương của giáo viên hiện nay; Bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương.

Sáng nay, tôi vừa đọc dự kiến bảng lương chuyên môn nghiệp vụ dành cho giáo viên từ 1/7, tôi thuộc viên chức loại A2, nhóm 1, hệ số lương 4,40 thì mức lương cũng được tăng thêm so với trước. Điều tôi bất ngờ nhất là giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao nhất so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác. Bản thân tôi cũng nghĩ, đội ngũ giáo viên cần được quan tâm và chia sẻ hơn, do đó, việc tăng lương là chủ trương vô cùng đúng đắn trong thời điểm này.

Tăng lương từ 1/7 - tâm sự người trong cuộc- Ảnh 1.

Tôi hy vọng phần lớn giáo viên, cán bộ y tế như chúng tôi sẽ sống được bằng lương khi tăng lương cho người lao động.

Trước đây và cả đến thời điểm này, lương của tôi không đủ sống nên cuối tuần và buổi tối, tôi vẫn phải xin đi dạy thỉnh giảng ở các trường đại học, cao đẳng tư thục, phải viết bài cộng tác cho các báo, phải nhận dịch tài liệu tiếng Trung sang tiếng Việt và ngược lại. Để có thể sống được với nghề chính, tôi đã phải lăn lộn làm thêm nhiều nghề tay trái mới có đủ tiền nuôi hai con gái ở mức trung bình.

Tôi thường xuyên theo dõi thông tin về tiền lương, nhất là đợt cải cách sắp tới đây. Tôi cảm thấy rất hào hứng, phấn khởi đón nhận tin sắp tới triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành sẽ quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo, tạo mức phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ nhà giáo có đủ điều kiện làm việc.

Làm được điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng giáo viên bỏ nghề, bỏ đơn vị công lập, yên tâm công tác, tránh xao nhãng trong công việc.

Việc tăng lương cho người lao động vào 1/7 tới đã cho thấy một bước ngoặt lớn trong chính sách an sinh xã hội của các cấp lãnh đạo, nhất là với những người đang làm việc ở các cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Là một viên chức đang công tác trong một cơ sở giáo dục của ngành Y tế, tôi vô cùng phấn khởi, biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm để thực hiện cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên.

Với đợt cải cách này cũng như chính sách tiền lương mới, tôi hy vọng phần lớn giáo viên, cán bộ y tế như chúng tôi sẽ sống được bằng lương. Điều này, tạo động lực lớn để chúng tôi yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Từ ngày 1/7, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách tiền lương và áp dụng chính sách tiền lương mới. Cơ cấu tiền lương mới của giáo viên gồm: Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp-tương đương 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng (nếu có). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên.

TS. Vũ Thị Minh Huyền - Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam
Ý kiến của bạn