Hà Nội

Tăng lương năm 2015: Chọn phương án nào?

24-10-2014 09:22 | Thời sự
google news

Tăng lương đòi hỏi quá lớn vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước rất lớn

Chính phủ cho biết, thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định, năm 2015, không bố trí được nguồn cho tăng lương. Số vượt thu sẽ được dùng để trả nợ.

Theo lộ trình tăng lương, cải cách tiền lương thì năm nay phải tăng lương. Nhưng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 hết sức khó khăn. Thu của chúng ta với tốc độ tăng tương đối cao mới đạt 911.000 tỷ (số tròn); chi ngân sách Nhà nước tăng hơn 1.100 tỷ, bội chi ngân sách đã lên tới 226.000 tỷ đồng. Dù với mức bội chi này mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Trong đó, chi thường xuyên để thực hiện chế độ, chính sách ban hành như hỗ trợ nhà ở với người có công cũng phải giãn lại làm từng bước.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển”.

Theo tôi, nếu chúng ta không ưu tiên tăng lương thì tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội. Vì thế, đây phải là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho người lao động, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động, nói cách khác là không có điều kiện tăng năng suất lao động, thì không thể làm được gì.

 Ông Bùi Sỹ Lợi. Ảnh VOV

Ông Bùi Sỹ Lợi. Ảnh VOV

Mới đây, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Muốn nâng cao chất lượng nguồn lực phải bao gồm cả số lượng và chất lượng. Theo đó, lao động phải đáp ứng được nhu cầu, phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Muốn vậy, những yếu tố như sức khỏe, năng lực con người rất quan trọng. Vì thế, cải cách tiền lương là rất quan trọng.

Muốn tăng tiền lương thì phải cải cách bộ máy, giảm nhẹ biên chế, phân định rõ khu vực công chức nhà nước, bộ máy công quyền. Khu vực đơn vị công, đơn vị sự nghiệp nhanh chóng chuyển sang hình thức tự chủ tự chịu trách nhiệm, tự cân đối lấy tiền lương và hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Vậy nhóm cải cách tiền lương tập trung vào nhóm cán bộ công quyền, lực lượng vũ trang, còn các đơn vị sự nghiệp, hành chính phải theo tinh thần tự chủ, tự cải cách mà nâng lương.

Tiền lương được xác định là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động, trong lúc đất nước ta năng suất lao động thấp, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển.

Nếu có điều kiện chúng ta xử lý ngân sách để nâng lương cho cán bộ công chức, cải thiện điều kiện đời sống làm sao cho tiền lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đời sống tốt thì năng suất lao động sẽ tăng lên, nhưng vấn đề quan trọng lớn thứ 2 là nó giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế được vấn đề tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ, khó khăn quá thì dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu cách nào đó để cải thiện đời sống cho cán bộ, nên ưu tiên.

Ông Bùi Đức Thụ - Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: “Quy mô người hưởng lương quá lớn”

Đối với tăng lương, đây là khoản chi không chỉ phát sinh trong một năm. Tăng lương năm nay thì các năm tiếp theo vẫn tiếp tục phải duy trì mức gia tăng về tiền lương để đảm bảo mức tiền lương tối thiểu đã được quyết định.

Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh VOV.

Ông Bùi Đức Thụ. Ảnh VOV.

Tăng lương đòi hỏi quá lớn vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Cán bộ công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, liên quan ngân sách Nhà nước thì lên đến hơn 8 triệu người. do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Lần trước, tăng từ 930.000 lên 1.150.000 đồng thì đã mất trên 44.000 tỷ đồng/năm.

Bây giờ, nếu cải cách tiền lương thì chắc chắn bội chi ngân sách lớn hơn, và nợ công ngay từ 2015 sẽ vượt trần. Do vậy, quan điểm của tôi, căn cứ tình hình đó trước mắt chưa nên tăng lương, nên giãn lại tiến độ cải cách tiền lương. Thứ nữa, tốc độ tăng lương phải phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

Hiện tại, năng suất lao động xã hội của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước khu vực, thậm chí bằng một phần nhỏ của một số nước ở Đông Nam Á. Những năm vừa qua, tốc độ tăng lương của cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Đây là vấn đề không bình thường trong chính sách tiền lương.

Với hai lý do đó, tôi cho rằng, việc cải cách tiền lương phải chậm lại so với lộ trình./.

 

 


Ý kiến của bạn