"Tăng lực" cho hàng Việt trước vấn nạn hàng giả

21-09-2022 18:02 | Thời sự
google news

Được biết đến là loại thảo dược quý hiếm có hàm lượng Saponin cao thế nhưng thị trường Sâm Ngọc Linh đang thật giả lẫn lộn. Nhiều người lo sợ mua phải hàng giả, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh, người nuôi trồng.

Sâm Ngọc Linh từ lâu được nhiều người săn tìm trong tự nhiên. Ngày nay dù đã được áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, nhưng sản lượng không cao. Chính vì sự khan hiếm cùng lợi ích kinh tế lớn khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, bà Trần Hoàng Kim Anh, đại diện Thương hiệu PN'S CHOICE – Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết: "Trong tự nhiên, cây Tam Thất có hình dáng giống cây sâm Ngọc Linh khiến nhiều người nhầm lẫn. Ngay tại "thánh địa" Kon Tum, Sâm Ngọc Linh cũng bị làm giả. Nhiều người mua nhầm cây giống giả, cái giá phải trả quá lớn vì sau 5 năm, mọi thứ gần như mất trắng khi thu hoạch. Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng đã phải tìm kiếm nhiều giải pháp công nghệ để bảo vệ thương hiệu của mình".

"Tăng lực" cho hàng Việt trước vấn nạn hàng giả - Ảnh 1.

Bà Trần Hoàng Kim Anh, đại diện Thương hiệu PN'S CHOICE – Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam chia sẻ.

Câu chuyện về sâm giả chỉ là một trong nhiều câu chuyện về vấn nạn hàng giả gây nên rất nhiều hệ lụy, thậm chí đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao. Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục phát triển trong những năm qua không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn phá vỡ môi trường kinh doanh cũng như uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, các đối tượng làm hàng giả đã tích cực tận dụng thời điểm này để tạo lợi thế bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng đang tăng cao. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Những đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả cũng ứng dụng các loại công nghệ cao khiến trình độ làm hàng giả cũng được nâng tầm. Các loại sản phẩm giả, nhái được sản xuất với số lượng lớn và ngày càng khó phân biệt hơn, đánh lừa người tiêu dùng và làm khó cơ quan chức năng".

Theo đại diện VCCI, việc làm giả và lưu hành các sản phẩm giả tác động trực tiếp và tiêu cực đến uy tín của các thương hiệu đích thực và gây ra những tác hại rất lớn đối với doanh nghiệp như mất uy tín thương hiệu; mất doanh thu và thị phần trên thị trường vì các sản phẩm giả mạo tồn tại khiến sản phẩm doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm...

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… trị giá hàng hoá lên tới hàng chục tỷ đồng. Hiện nay hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ở hầu hết lĩnh vực, trên mọi địa bàn. Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển mạnh dẫn tới ranh giới thực và ảo, sản xuất và kinh doanh, đưa từ cơ sở sản xuất hàng giả đến người tiêu dùng đã có phương thức mới, thông qua các đơn vị vận chuyển dẫn đến việc phát hiện của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng được làm giả rất đa dạng, từ giày dép, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm, phân bón… tất cả những gì mang lại lợi nhuận sẽ được làm giả.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, nhiều vụ việc được kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là công nghệ… xoong nồi và chảo quấy. Các thực phẩm chức năng giả, thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, lấy đi cơ hội về sức khoẻ, chữa bệnh…

Do lợi nhuận lớn, nên xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng nói riêng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

"Tăng lực" cho hàng Việt trước vấn nạn hàng giả - Ảnh 2.

"Tăng lực" cho hàng Việt trước vấn nạn hàng giả - Ảnh 3.

Sâm Ngọc Linh được ươm mầm tại phòng thí nghiệm hiện đại.

Giải pháp bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính

Trước thực trạng này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, đã đến lúc cần nghiêm túc tìm ra giải pháp để bảo vệ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính. Để xử lý tình trạng trên, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cùng với đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp cần quyết liệt hơn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để giúp cơ quan quản lý cũng như người dân dễ dàng nhận diện được hàng thật, hàng giả.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng cần tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cần tham gia mạnh mẽ trong vấn đề này. "Người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; cần có tư vấn khi sử dụng và thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng".

"Tăng lực" cho hàng Việt trước vấn nạn hàng giả - Ảnh 4.

Hình ảnh cây sâm Ngọc Linh.

Để bảo vệ chính mình, các nhà sản xuất có thể chống hàng giả bằng cách sử dụng con tem có mã QR giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên giải pháp này còn gặp nhiều hạn chế và vẫn bị làm giả bởi công nghệ. Một giải pháp khác, tiên tiến hơn, và là sản phẩm của người Việt chính là: TrueData. Các sản phẩm chính hãng sẽ được gắn chip RFID, chip này hoạt động dựa trên nguyên lý thu thập và bảo vệ dữ liệu. Dữ liệu đầu vào sẽ bao gồm các thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, quá trình lưu hành sản phẩm. Thông tin được thu thập một cách tự động trên đường đi của sản phẩm theo cơ chế "Đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu".

Dữ liệu nguồn gốc hàng hóa thu thập được từ giải pháp TrueData sẽ kết xuất trực tiếp về Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia http://www.truedata.vn. Khi truy cập vào cổng thông tin, người tiêu dùng mua hàng sẽ được cung cấp các thông tin chính thống về dữ liệu sản phẩm, hàng hóa bao gồm thông tin chuỗi sản phẩm, từ việc mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển,… Với một chiếc điện thoại thông minh bất kỳ, người dùng chỉ cần sử dụng phần mềm TrueData với thao tác kiểm tra đơn giản là có thể nắm bắt thông tin liên quan đến sản phẩm.

Không chỉ bảo vệ cho các doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả, người tiêu dùng cũng được giải pháp này hướng tới. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam sông Hồng, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện – PTI cho biết, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ TrueData sẽ được nhận bảo hiểm cho hành vi tấn công, truy cập trái phép hay giả mạo của bên thứ 3, cùng với đó là bảo hiểm cho lỗi hệ thống, lỗi vận hành hoặc lỗi bảo mật của sản phẩm công nghệ, dịch vụ công nghệ.

Là một trong nhiều đơn vị áp dụng giải pháp TrueData, đại diện PN'S CHOICE cho hay, đây là bước đột phá về công nghệ chống giả, bởi khi đó mỗi cây sâm giống sẽ được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng, giúp bảo đảm nguồn gốc cây giống thật. Đến giai đoạn thu hoạch và trở thành nguyên liệu sản xuất đến khâu ra thành phẩm, cũng được gắn chíp để truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi sản phẩm đều được bảo hiểm nếu không phải hàng chính hãng. Nhờ áp dụng công nghệ của Việt Nam này, doanh nghiệp đã hạn chế được hàng giả mạo trên thị trường, qua đó doanh nghiệp này có thể tập trung nguồn lực cho nghiên cứu phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm, để hàng Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Để lắng nghe ý kiến đóng góp, và nâng cao hơn nữa năng lực chống hàng giả của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, Viện Phát triển Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ Chống  Hàng giả Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo: "Thuốc và Thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và Giải pháp" vào ngày 22/09/2022 tại Khách sạn Pullman Saigon Center.


PV
Ý kiến của bạn