Một nghiên cứu bao gồm 918 người tham gia được đánh giá trong khoảng thời gian trung bình là 4,7 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người mắc bệnh THA có nhiều khả năng bị suy giảm nhận thức nhẹ, một tình trạng thường có khuynh hướng tiến triển thành bệnh Alzheimer. Điều thú vị là nghiên cứu này phát hiện ra rằng suy giảm trí nhớ phát triển ở những bệnh nhân có THA.
Nghiên cứu thứ hai trên phát hiện ra rằng, những người huyết áp trên 140/90mmHg vào lúc bắt đầu nghiên cứu có liên quan với số lượng tổn thương não chất trắng cao hơn đáng kể 8 năm sau đó. Các tổn thương chất trắng thường gặp ở các thùy trán của não, có liên quan với nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí cao hơn.
Nghiên cứu thứ ba cho thấy rằng THA có liên quan đến nguy cơ cao hơn của chứng mất trí sau này và cũng tương quan với những thay đổi về lượng protein amyloid beta trong não. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những thay đổi của não đã xuất hiện khoảng 15 năm trước khi phát triển các rối loạn nhận thức.
Cuối cùng, nghiên cứu thứ tư tìm thấy thêm bằng chứng kết nối huyết áp với nhận thức. Nghiên cứu này sử dụng hình ảnh não để đánh giá 118 người tham gia nghiên cứu với nhận thức còn nguyên vẹn tuổi từ 30-89. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người có THA đã tích lũy nhiều protein amyloid beta trong não hơn so với những người không có tăng huyết áp. Đồng thời nghiên cứu đã kết luận tích tụ protein amyloid beta là một trong những điểm nổi bật của bệnh Alzheimer. Nghiên cứu này cũng phân biệt giữa những người đang được điều trị bằng thuốc để kiểm soát huyết áp và những người không được điều trị. Nghiên cứu đã tìm thấy bộ não của những người đang được điều trị hạ huyết áp được bảo vệ khỏi những thay đổi xấu đi của não.
Những ảnh hưởng của tăng huyết áp tới não bộ.
Cách phát hiện sớm chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer
Các dấu hiệu chỉ điểm chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer, cần gặp bác sĩ sớm để được xác định bệnh chính xác, bao gồm:
Mất trí nhớ làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày: Bạn quên những sự kiện gần đây, những ngày quan trọng, phải dựa vào thiết bị nhớ trợ giúp như điện thoại.
Khó khăn trong lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề: Gặp khó khăn trong lập kế hoạch công việc hàng ngày. Mất nhiều thời gian hơn cho việc hoàn thành nhiệm vụ và thiếu tập trung hơn.
Nhiệm vụ quen thuộc trở thành thách thức: Chẳng hạn lái xe đến một nơi quen thuộc trở nên khó khăn, không thể nhớ các quy tắc cho một trò chơi yêu thích.
Thay đổi về tâm trạng: Dễ cáu kỉnh, nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi là tất cả những cảm xúc khác nhau của một người mắc chứng sa sút trí tuệ.
Lộn xộn với thời gian hoặc địa điểm: Lập kế hoạch các sự kiện trong tương lai là việc khó khăn và khó hiểu. Có thể có nhầm lẫn về nơi ở của người quen.
Khó hiểu những gì đang nhìn thấy: Rối loạn thị lực rất phổ biến như đọc, đánh giá khoảng cách và xác định màu sắc và độ tương phản trở nên khó khăn.
Rối loạn vấn đề về nói hoặc viết: Không tìm được từ thích hợp để nói, tạm dừng giữa các câu, hoặc không thể hoàn thành câu văn.
Đặt sai chỗ và không thể lặp lại các bước: Đặt đồ vật vào những nơi không đúng thay vì để chúng nơi quen thuộc. Ví dụ, đặt chìa khóa xe vào tủ bếp.
Giảm hoặc đánh giá kém: Không có trách nhiệm với tiền bạc hoặc không giữ được vẻ bề ngoài của chính mình chỉn chu như trước.
Tách rời dần xã hội: Có thể gặp khó khăn theo cùng với những người khác, do đó có khuynh hướng xa rời đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.
Những điều cần ghi nhớ
Nếu bị THA, cần phải làm mọi cách để duy trì huyết áp của mình trong tầm kiểm soát giúp hạn chế nguy cơ mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.
Thay đổi lối sống sẽ luôn luôn giúp quản lý tốt hơn bệnh THA. Nếu huyết áp của bạn cao hơn mức bình thường, không có gì phải quá hoảng hốt, có thể thực hiện một số thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống để tránh hoặc ít nhất là trì hoãn sự cần thiết phải dùng thuốc huyết áp.
Bạn cũng có thể thử một số biện pháp tự nhiên đơn giản sau đây để kiểm soát huyết áp:
Giảm cân: Nếu béo phì, bạn có nguy cơ cao bị THA, đái tháo đường hoặc các chứng bệnh mạn tính khác.
Tập thể dục thường xuyên: Cần phải duy trì lối sống tích cực để giữ sức khỏe và kiểm soát huyết áp của mình. Đi bộ 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày trong một tuần sẽ đủ để tạo sự thay đổi về sức khỏe.
Hạn chế lượng muối: Chỉ cần giảm muối trong chế độ ăn uống có thể làm giảm huyết áp từ 2-8mmHg, hạn chế lượng muối dưới 2.300mg mỗi ngày hoặc ít hơn.
Tránh hoặc hạn chế uống rượu.
Quản lý stress tốt hơn.
Hạn chế lượng caffeine.
Dinh dưỡng lành mạnh với tiêu thụ nhiều rau quả.
Sau khi đã áp dụng các biện pháp đơn giản dễ thực hiện đã nêu trên trong giai đoạn thay đổi lối sống không dùng thuốc, nhưng số đo huyết áp không cải thiện, tốt nhất hãy trao đổi sớm với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thuốc hạ huyết áp theo khuyến cáo.