Đo huyết áp cho thai phụ sau khi nghỉ ngơi khoảng 10 phút để bảo đảm sự chính xác. Tăng huyết áp khi mang thai do các thể bệnh khác nhau cần được xác định cụ thể để có biện pháp xử trí can thiệp điều trị kịp thời và phù hợp.
Các thể bệnh do tăng huyết áp khi mang thai
Trong thời gian mang thai, bệnh tăng huyết áp ở sản phụ gồm có các thể bệnh khác nhau như: tăng huyết áp không kèm theo protein niệu hoặc phù thường gọi là tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật nhẹ, tiền sản giật nặng, tiền sản giật trên sản phụ có tăng huyết áp mạn tính, sản giật, tăng huyết áp mạn tính. Việc chẩn đoán từng trường hợp bệnh lý thường căn cứ vào các triệu chứng được xác định.
Nếu huyết áp cao trước khi mang thai hay được chẩn đoán trước tuần tuổi thứ 20 của thai kỳ hoặc tăng huyết áp được chẩn đoán sau tuần thứ 20 của thai kỳ và kéo dài đến sau khi sinh 12 tuần được chẩn đoán xác định là tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai.
Nếu huyết áp được đo 2 lần cách nhau 4 giờ ở thời điểm sau 20 tuần tuổi của thai nhi và xét nghiệm nước tiểu không có protein niệu được chẩn đoán xác định là tăng huyết áp thai kỳ có nghĩa là tình trạng thai nghén gây tăng huyết áp.
Đo 2 lần cách nhau 4 giờ ở thời điểm sau 20 tuần tuổi của thai nhi và xét nghiệm nước tiểu phát hiện protein niệu có thể lên tới mức độ , không có các triệu chứng khác kèm theo được chẩn đoán xác định là tiền sản giật nhẹ.
Tăng huyết áp, tiển sản giật và sản giật là bệnh lý cần lưu ý khi mang thai để phát hiện và xử trí phù hợp
Nếu huyết áp tăng ở thời điểm sau 20 tuần tuổi của thai nhi và xét nghiệm nước tiểu cho kết quả protein niệu ở mức độ hoặc hơn; ngoài ra có thể có các biểu hiện dấu hiệu tăng phản xạ, đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, hoa mắt, đi tiểu ít với lượng nước tiểu dưới 40 ml trong 24 giờ, đau vùng thượng vị, phù phổi...; xét nghiệm hóa sinh thấy u rê, men gan SGOT, SGPT, acid uric, bilirubin là các chất tăng cao trong máu trong khi đó tiểu cầu và protein huyết thanh toàn phần lại giảm được chẩn đoán xác định là tiền sản giật nặng.
Bệnh lý tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật khi mang thai có thể xảy ra đối với sản phụ khi mang thai với nhiều thể bệnh khác nhau cần được lưu ý để phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí can thiệp điều trị kịp thời nhằm chủ động ngăn ngừa các biến chứng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Trong quá trình mang thai, sản phụ nên đi khám thai định kỳ hoặc đến cơ sở y tế khám khi có các dấu hiệu bất thường nhằm phát hiện bệnh lý sớm và có hướng xử trí kịp thời, phù hợp để bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Việc chẩn đoán căn cứ khi sản phụ có biểu hiện tăng huyết áp và có ít nhất một trong các dấu hiệu đã nêu ở trên; có thể nghi ngờ hội chứng Hellp khi có dấu hiệu tan máu vi thể biểu hiện bằng bilirubin tăng, các men gan tăng với chỉ số SGOT và SGPT tăng cao từ 10 đơn vị/lít trở lên, số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 máu.
Nếu sản phụ có cơn co giật với 4 giai đoạn điển hình gồm xâm nhiễm, giật cứng, giật giãn cách và hôn mê kèm theo một số dấu hiệu tiền sản giật nặng được chẩn đoán xác định là sản giật.
Nếu xét nghiệm nước tiểu ghi nhận protein niệu mới xuất hiện với mức độ từ 300mg/24 giờ trở lên trên sản phụ đã có sẵn tăng huyết áp nhưng không có protein niệu trước tuần tuổi thứ 20 của thai nhi hoặc huyết áp và protein niệu tăng đột ngột hay tiểu cầu dưới 100.000/mm3 máu trên một sản phụ tăng huyết áp và có protein niệu trước tuần tuổi thứ 20 của thai nhi được chẩn đoán xác định là tiền sản giật trên sản phụ có tăng huyết áp mạn tính.
Lưu ý cần chẩn đoán phân biệt trường hợp tăng huyết áp mạn tính trước khi mang thai và tăng huyết áp do thai nghén căn cứ vào các đặc điểm phát hiện.
Tăng huyết áp trước khi mang thai có thời gian xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, acid uric có thể tăng, protein có thể xuất hiện. Tăng huyết áp do thai nghén có thời gian xuất hiện vào tuần thứ 20 của thai kỳ, acid uric chỉ tăng cao trong tiền sản giật, protein niệu xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Xử trí can thiệp điều trị
Trường hợp thai nghén gây tăng huyết áp còn gọi là tăng huyết áp thai kỳ: Ở tuyến xã, phường, thị trấn cần tư vấn cho sản phụ và gia đình về việc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi; phải theo dõi huyết áp, protein niệu, tình trạng thai hàng tuần; nếu không thuyên giảm phải chuyển sản phụ lên tuyến trên để điều trị và giải thích cho người nhà sản phụ biết nguy cơ tiền sản giật, sản giật có thể xảy ra.
Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố và tỉnh; nếu huyết áp giảm tới mức bình thường, cho sản phụ nằm nghỉ ngơi tại giường, có thể cho phép sản phụ về nhà và hẹn lịch đến khám lại; nếu huyết áp ổn định, theo dõi tiếp tục cho đến khi chuyển dạ; nếu huyết áp ngày càng tăng, điều trị như trường hợp tiền sản giật.
Trường hợp tiền sản giật và sản giật: Ở tuyến xã, phường, thị trấn cần chuyển sản phụ lên tuyến trên.
Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên; nếu gặp trường hợp tiền sản giật nhẹ với các dấu hiệu không nặng lên hoặc trở lại bình thường theo dõi mỗi tuần 2 lần các chỉ số huyết áp, số lượng nước tiểu, protein niệu, tình trạng thai đến khi đủ tháng; tư vấn cho sản phụ và gia đình biết về sự nguy hiểm của tiền sản giật nặng và sản giật, thực hiện chế độ ăn cần thiết; nếu cổ tử cung mở bấm ối cho sản phụ đẻ, chú ý là cần dựa vào chỉ số huyết áp mà cho sinh thường hay sinh bằng forceps nếu đủ điều kiện, chỉ phẫu thuật lấy thai nhi nếu kèm theo các lý do sản khoa khác như ngôi thai bất thường, nhau tiền đạo...; nếu cổ tử cung chưa xóa tiếp tục theo dõi thai nghén.
Trong trường hợp tiền sản giật nặng đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả, cần thực hiện thủ thuật chấm dứt thai kỳ để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và cứu thai nhi nếu có thể; trong trường hợp không đủ điều kiện hoặc đã điều trị tích cực trong 24 giờ mà tình trạng không thuyên giảm hoặc nặng lên phải chuyển lên tuyến trên; lưu ý dấu hiệu ngộ độc thuốc chống co giật như: mất phản xạ gân xương, liệt cơ hô hấp, ngưng tim; xử trí ngộ độc magnesie sulfat bằng cách ngừng magnesie sulfat, dùng thuốc đối kháng như calcium gluconate tiêm tĩnh mạch 1g, đặt nội khí quản và thông khí nếu có suy hô hấp, ngừng thở.
Đối với trường hợp sản giật; tuyến xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã, thành phố sau khi sơ cứu ban đầu phải chuyển sản phụ lên tuyến tỉnh. Ở tuyến tỉnh, tiếp tục cho thuốc hạ huyết áp đến khi huyết áp tâm trương giảm, theo dõi lượng nước tiểu; nếu sản phụ chuyển dạ cho sinh bằng forceps khi đủ điều kiện, nếu không đủ điều kiện, phẫu thuật lấy thai; nếu sản phụ chưa chuyển dạ, khi có dấu hiệu ổn định ở tuổi thai 28 - 34 tuần cho điều trị theo phác đồ, tiếp tục theo dõi trong 24 giờ rồi đình chỉ thai nghén, trường hợp thai nhi không có khả năng sống, đình chỉ thai nghén càng sớm càng tốt ngay khi tình trạng sản phụ cho phép, ở tuổi thai trên 34 tuần cần đình chỉ thai nghén càng sớm càng tốt; khi có dấu hiệu không ổn định phải phẫu thuật lấy thai sau khi cắt cơn giật.
Trường hợp tăng huyết áp mạn tính trong khi có thai: Ở tuyến xã, phường, thị trấn phải chuyển sản phụ lên tuyến trên. Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên cần động viên sản phụ nghỉ ngơi, theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày; nếu huyết áp tâm trương 100mmHg hoặc hơn, huyết áp tâm thu 160mmHg hoặc hơn, cho thuốc hạ huyết áp rồi chuyển lên tuyến trên nếu tại tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố hoặc tỉnh không có khả năng điều trị; nếu không có biến chứng có thể để theo dõi và chờ sinh, khi có dấu hiệu suy thai với tim thai dưới 120 hoặc trên 160 lần mỗi phút phải xử trí suy thai.
Tiến triển, tiên lượng và phòng ngừa
Về tiến triển bệnh lý, tình trạng tăng huyết áp tồn tại càng lâu sau khi sinh, nguy cơ chuyển thành tăng huyết áp mạn tính càng cao.
Tình trạng tiền sản giật biểu hiện và được chẩn đoán càng sớm, khả năng bị tiền sản giật ở các lần có thai tới càng cao.
Những sản phụ có tiền sử tiền sản giật hoặc tăng huyết áp có nhiều nguy cơ bị tiền sản giật ở lần có thai tiếp theo. Sản phụ sinh đẻ nhiều lần, bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ tiền sản giật ở lần có thai sau cao hơn sản phụ mới bị tiền sản giật lần đầu. Những sản phụ bị sản giật, nguy cơ phát triển thành tăng huyết áp mạn tính cao gấp 3 lần ở những sản phụ nữ đã sinh nhiều lần so với phụ nữ mới sinh lần đầu.
Để phòng ngừa, cần theo dõi tình trạng huyết áp trong thai kỳ lần sau, đây là một biện pháp tầm soát nguy cơ tăng huyết áp mãn tính ở những sản phụ bị tiền sản giật. Sản phụ có tăng huyết áp trong thai kỳ cần được theo dõi nhiều tháng sau sinh và tư vấn về nguy cơ bị bệnh tim mạch trong tương lai.