Tăng huyết áp do đái tháo đường, cách nào điều trị?

02-02-2023 09:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng huyết áp và đái tháo đường là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới đột quỵ, tàn tật và tử vong. Tăng huyết áp lại rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Sự kết hợp này khiến các nguy cơ sức khỏe của bệnh nhân càng trở nên nặng nề. Cần điều trị và kiểm soát tốt cả hai bệnh này.

1. Tăng nguy cơ đột quỵ khi mắc đái tháo đường tăng huyết áp

bệnh nhân đái tháo đường, do đường huyết tăng cao làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành động mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu, tạo cơ hội thuận lợi cho các cục máu đông hình thành, có thể gây bít tắc mạch máu.

Nếu bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp thì nguy cơ động mạch bị xơ vữa và tạo nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não sẽ càng cao hơn. Huyết áp cao kéo dài dẫn đến động mạch khắp cơ thể bị tổn thương, lâu dần dẫn đến xơ vữa, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành. Khi cục máu đông di chuyển trong lòng mạch sẽ gây bít tắc ở các mạch máu nhỏ. Tùy vị trí mạch máu bít tắc mà gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não.

2. Cách nào điều trị?

Để phòng ngừa các nguy cơ do đái tháo đường và tăng huyết áp gây ra, thì cần điều trị từ sớm, trước khi bệnh gây ra biến chứng. Nguyên tắc quan trọng trong điều trị cả 2 bệnh này là chế độ dinh dưỡng, luyện tập và dùng thuốc.

- Chế độ dinh dưỡng: Cần áp dụng chế độ ăn ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ và rau quả để ổn định đường huyết. Thực hiện ăn nhạt, nên luộc/hấp và tránh chiên, xào, nướng; thay thế mỡ động vật bằng mỡ thực vật như dầu ôliu, dầu mè; ngừng uống rượu và hút thuốc…

photo-1675181843883

Chế độ ăn nhiều rau củ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp.

- Chế độ luyện tập: Cần tập phù hợp với sức khỏe của từng người. Không nên tập luyện quá sức mà nên tập đều đặn, khoảng 30 phút mỗi ngày.

- Về chế độ dùng thuốc: Người bệnh nên dùng đúng, đủ và đều. Do cùng mắc cả 2 bệnh, nên cần dùng cả 2 loại thuốc để kiểm soát tốt cả hai bệnh lý này.

+ Thuốc điều trị đái tháo đường:

Tuỳ theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và tình trạng của bệnh nhân mà lựa chọn thuốc điều trị cho hợp lý. Khi điều trị phải kiểm soát chặt chẽ đường huyết, đặc biệt đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn và HbA1c.

Các thuốc hạ đường huyết như nhóm biguanid như metformin là thuốc được sử dụng nhiều trong hạ đường huyết. Thuốc có nguy cơ gây tăng acid lactic; không dùng cho người suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, người có rối loạn chuyển hoá...

Nhóm sulfonylure (tolbutamid, diamicron, daonil…) cũng được sử dụng điều trị tăng đường huyết. Khi sử dụng cần lưu ý nguy cơ hạ đường huyết quá mức và kiểm tra chức năng gan, thận định kỳ.

Insulin có loại tác dụng nhanh, tác dụng chậm và tác dụng rất chậm, thường chỉ dùng trong điều trị đái tháo đường type I hoặc đái tháo đường type 2 khi bệnh nhân có tình trạng mất bù do stress, tăng đường huyết, tăng ceton; tụt cân không kiểm soát được; phụ nữ mang thai.

Khi dùng phải kiểm tra đường huyết thường xuyên để đề phòng hạ đường huyết.

photo-1675181846691

Tập luyện vừa sức có lợi cho người bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp

+ Thuốc điều trị tăng huyết áp:

Mục tiêu cần đạt được là đưa huyết áp về dưới 130/85mmHg. Tuỳ từng trường hợp có thể sử dụng một số thuốc sau: Enalapril, perindopril, captopri, lisinopril... Đây là các thuốc dùng tốt nhất dùng trong trường hợp đái tháo đường/tăng huyết áp.

Tác dụng phụ của các thuốc này là gây ho, tăng kali máu, không dùng trong hẹp khít van động mạch chủ, động mạch thận...

Lưu ý: Thuốc dùng điều trị bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, nhằm giúp kiểm soát bệnh trong giới hạn mục tiêu an toàn và phải dùng suốt đời. Do đó, kể cả khi mức đường huyết và huyết áp ổn định thì bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được bỏ thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Dấu hiệu nhận biết ung thư xương

TS.Nguyễn Thị Thu Hiền
Ý kiến của bạn