Tăng huyết áp - Những con số báo động
Theo Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang GS. TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch. Trong các bệnh tim mạch thì Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất trong cộng đồng và cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất để gây nên nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Ngay từ năm 2008, theo kết quả điều tra dịch tễ học tại 8 tỉnh thành phố của nước ta thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người lớn từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%.
Nhưng kết quả điều tra dịch tễ học mới nhất năm 2015 vừa qua của chúng ta tại chính 8 tỉnh thành phố đã cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng cao một cách rất đáng báo động: Đó là tỷ lệ THA của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 47,4%, trong đó tỷ lệ những người bị THA nhưng chưa được phát hiện bao giờ là 39,1%. Tỷ lệ những người THA được điều trị là 92,8%, song tỷ lệ những người THA điều trị đạt được huyết áp mục tiêu mới chỉ là 31,3%.
Tăng huyết áp là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề nhận thấy họ đang mắc phải.
Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu vào trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. Tăng huyết áp có thể dẫn đến suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức.
Một khi việc chẩn đoán tăng huyết áp đã được khẳng định, người bệnh cần ý thức được việc thay đổi các thói quen lối sống không tốt và kiểm soát tốt huyết áp ngay từ giai đoạn đầu với sự hỗ trợ của các bác sĩ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là để kéo dài tuổi thọ và tránh biến chứng đối với các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt.
Cho đến nay, chương trình sinh hoạt Y khoa Việt - Pháp được tổ chức hàng năm với sự phối hợp giữa Les Laboratoires Servier (CH Pháp) và nhiều chuyên gia ngành y khoa của Việt Nam như tim mạch, nội tiết, tâm thần, thần kinh, ..., dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế đã bước sang năm thứ 20. Với chương trình này, rất nhiều các thông tin thiết yếu và cập nhật nhất trong các lĩnh vực nói trên đã được trao đổi cụ thể giữa các chuyên gia hai nước và thực sự chương trình đã có những đóng góp tích cực và hữu ích vào sự phát triển của cộng đồng y khoa Việt Nam.
"Tăng huyết áp - Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên"
Theo GS. TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nếu không điều chỉnh lối sống, khó mà giảm huyết áp. Việc phát hiện sớm bệnh để có thể điều trị bệnh ngay từ những ngày đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng. Bởi bệnh phát hiện càng sớm, thì điều trị càng đỡ khó khăn và tốn kém hơn. Việc kết hợp giữa dùng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, như giảm ăn mặn, lối sống lành mạnh sẽ giúp việc đạt huyết áp mục tiêu trở nên dễ dàng hơn. Nếu bệnh Tăng huyết áp không được phát hiện sớm và điều trị, dễ dẫn đến biến chứng, khi đó, việc điều trị bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Các chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Pháp và Việt Nam tại chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp Việt lần thứ 20 (JMFV 2016) với chủ đề "Tăng huyết áp - Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên"
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, trong đó có việc giảm ăn mặn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Tăng huyết áp, chẳng hạn như ở Canada, sau khi Chính phủ phát động phong trào truyền thông tuyên truyền giảm ăn mặn, Canada đã giảm được 1 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp mỗi năm.
Tuy nhiên, theo GS. TS. Nguyễn Lân Việt, khi đã mắc bệnh THA rồi, việc chỉ điều chỉnh lối sống không khó mà giảm huyết áp, mà bên cạnh đó, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ việc dùng thuốc theo phác đồ của bác sĩ. Đối với người thầy thuốc, việc am hiểu về phác đồ thuốc, phối hợp dùng thuốc điều trị để giảm tác dụng phụ của thuốc sẽ khiến bệnh nhân chăm chỉ tuân theo phác đồ điều trị, từ đó giảm nguy cơ tai biến mạch não.
Và để có thể "sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên", việc người dân tham gia BHYT và trang bị cho mình kiến thức về bệnh Tăng huyết áp là rất quan trọng. Việc khám định kỳ sẽ giúp cho người dân phát hiện sớm bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu tiên, giúp sống khỏe. Theo TS. Mathieu Floussi, chuyên gia tim mạch CH Pháp, Việt Nam tiếp cận điều trị THA khá tốt so với nhiều nước ở châu Á. Theo GS. Jacques Blacher, ở Pháp, việc dự phòng và điều trị bệnh THA được thực hiện thông qua chống béo phì, tăng cường vận động, giảm ăn mặn. Còn theo GS. Pathak, để có thể giúp người bệnh THA sống khỏe, thì vai trò của người thầy thuốc rất quan trọng. Đó là cách bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân, động viên bệnh nhân thay đổi lối sống kéo dài để đạt huyết áp mục tiêu, tránh những biến chứng của bệnh THA.
Bạn có thể tìm thấy thông tin hữu ích về cách phòng ngừa và điều trị bệnh Tăng huyết áp do các chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới và Việt Nam chia sẻ tại trang web ngaydautien.vn
Trang web này do Hội Tim mạch Việt Nam quản lý nội dung. Website này là nơi các bệnh nhân cũng như người nhà của có thể tìm thấy những thông tin quan trọng và đầy hữu ích trong việc kiểm soát căn bệnh tăng huyết áp. Website cũng được xây dựng để giúp các bác sỹ trong việc thuyết phục bệnh nhân của họ về tầm quan trọng của việc chủ động tiếp cận thông tin, đặc biệt ở giai đoạn chẩn đoán ban đầu.
Vơi việc ra mắt website này, hy vọng tạo nên một cộng đồng về tăng huyết áp tại Việt Nam - động thái thúc đẩy hành động cho các bệnh nhân, tạo động lực cho họ cũng như tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của kiểm soát tăng huyết áp cũng như các bước có thể kiểm soát được nó.
Nhân kỷ niệm lần thứ 20 của chương trình Y khoa Việt - Pháp, hưởng ứng ngày THA thế giới (17.05.2016), chương trình khoa học tập trung chủ đề đặc biệt: Tăng cường nâng cao nhận thức cho những bệnh nhân THA, nhằ góp phần hướng dẫn cho người bệnh và khuyến khích, động viên họ thay đổi lối sống một cách tích cực, tăng sự tuân thủ điều trị để từ đó tăng khả năng kiểm soát huyết áp một cách hữu hiệu nhất thông qua dự án: "THA - Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên".
Cho đến nay, ngành Y tế Việt Nam nói chung và Hội Tim mạch Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực với nhiều nội dung hoạt động khác nhau để có thể góp phần giảm bớt các biến cố do THA gây nên như: tiến hành khám, sàng lọc về THA, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức cho các cán bộ y tế cơ sở, biên soạn nhiều sách báo và tài liệu chuyên môn, tổ chức những chương trình giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức những chương trình đi bộ vì sức khỏe cộng đồng...