Nhiều trường đại học rục rịch tăng học phí, cao nhất 20%
Tới thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023-2024, trong đó, có quy định về mức học phí đối với từng ngành/chuyên ngành. Theo ghi nhận, sau hai năm không tăng học phí theo quy định của Chính phủ, năm học tới, nhiều trường ĐH dự kiến tăng 10 - 20% học phí.
Trường ĐH Ngoại thương: Học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 đối với chương trình đại trà là 22 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình Chất lượng cao dự kiến là 44 triệu đồng/năm. Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm. Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế dự kiến khoảng 45 triệu đồng/ năm. Học phí của chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm. Dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Học phí được nhà trường dự kiến trong năm học tới từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm, tăng khoảng 10%.
Học viện Tài chính dự kiến mức học phí năm học này đối với chương trình chuẩn từ 22 - 24 triệu đồng/sinh viên/năm học; chương trình chất lượng cao từ 48 - 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42 - 44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 10%. Mức học phí dự kiến này của Học viện Tài chính tăng 10-20% so với hiện tại.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Các ngành khác hệ đại trà (dự kiến): 506.900 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ). Hệ chất lượng cao (dự kiến): 1.470.010 đồng/tín chỉ (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh).
Năm 2022 và 2023, Trường ĐH Điện lực không tăng học phí theo quy định của Chính phủ nhằm hỗ trợ sinh viên, phụ huynh hoàn cảnh khó khăn. Trường ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến nâng mức học phí từ 785.000 đồng/tín chỉ (năm học 2022 - 2023) lên 940.000 đồng/tín chỉ đối với chương trình chuẩn năm 2023-2024. Đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí tăng gấp 1,4 lần so với các học phần dạy bằng tiếng Việt, tức là tăng khoảng 20%.
Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 - 2024 với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng học phí 40 triệu đồng/năm học (tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái).
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến thu mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Mức thu này tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến tăng tối đa 10% học phí với khóa sắp tuyển.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến mức học phí năm học 2023 - 2024 là 7.050.000 đồng/học kỳ (tăng 800.000 đồng so với năm trước).
Các cơ sở giáo dục đại học phải công bố cụ thể mức học phí
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mức học phí dự kiến của các trường ĐH đều phải được công khai trong đề án tuyển sinh đăng trên website trường ít nhất 30 ngày trước khi nhận hồ sơ xét tuyển.
Tuy nhiên, bên cạnh một số trường ĐH công khai mức học phí rõ ràng, chi tiết lộ trình tăng ra sao trong quá trình sinh viên theo học hằng năm thì một số thông tin về học phí lại gần như chưa có hoặc có thì rất sơ sài. Điều này khiến không ít phụ huynh và học sinh bối rối.
Là một phụ huynh có con năm nay vào đại học, chị Lưu Thị Khuyên (ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ) cho rằng, các trường cần đưa thông tin rõ ràng về mức học phí để học sinh và phụ huynh có sự cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh bởi không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để áp ứng 4 năm học ĐH cho con.
"Học phí không chỉ là nỗi lo mà còn là gánh nặng với các gia đình ngoại tỉnh mà kinh tế chẳng mấy dư dả như gia đình tôi. Bởi nếu con học ở Thủ đô thì sẽ phải cân nhắc chọn một trường có mức học phí thấp bởi ngoài học phí thì chi phí sinh hoạt ở thành phố rất đắt đỏ cộng với tiền nhà trọ, tiền ăn... Nếu học phí tăng, có thể gia đình sẽ phải đi vay mượn để nuôi con học ĐH trong vài năm tới".
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc nhiều trường ĐH đồng loạt tăng học phí đồng nghĩa có thể sẽ loại bỏ những học sinh có năng lực nhưng lại không đủ khả năng kinh tế. Khi có cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện, nhưng tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học.
Hiện một số trường đã bắt đầu xét tuyển nhưng chưa công bố học phí hoặc ghi chung chung, không cung cấp đủ thông tin cho phụ huynh và học sinh, về vấn đều này, theo TS. Lê Viết Khuyến, các cơ sở giáo dục phải công bố cụ thể mức học phí cho một tín chỉ, một kỳ học có bao nhiêu tín chỉ và số tín chỉ phải học trong toàn bộ chương trình đào tạo. Điều này cũng thuận tiện cho người học có thể tính toán, cân nhắc phù hợp và đăng ký học nhiều, học ít, học nhanh, học chậm tùy vào khả năng. "Giáo dục đại học phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Việc mập mờ học phí sẽ gây bất lợi cho thí sinh và phụ huynh bởi không được tiếp cận với thông tin tài chính để có sự chuẩn bị tốt nhất".
Còn theo TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), học phí phải được công bố cho người học ngay từ khi bắt đầu đăng ký vào trường. "Thực tế cho thấy, có trường chỉ đưa ra mức học phí thấp ở kỳ đầu tiên nhưng lại tăng cao ở những kỳ tiếp theo, có trường chỉ công bố học phí theo tín chỉ nhưng lại không nêu tổng số tín chỉ trong khóa học mà sinh viên phải hoàn thành. Các cơ sở giáo dục đại học cần minh bạch thông tin về học phí".
Chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh và học sinh trước thông tin nhiều trường ĐH sẽ tăng học phí, TS. Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính có lời khuyên: "Để có thể yên tâm trong thời gian học ĐH, thí sinh cần đọc kỹ thông tin học phí được các trường thông báo tại Đề án tuyển sinh. Trong đó, ngoài mức học phí đóng cho năm học hiện tại, cần tìm hiểu lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo của trường như thế nào, từ đó tính toán điều kiện kinh tế để lựa chọn".