Tăng học phí ở các trường tự chủ tài chính: Áp lực lớn dồn lên vai người học

09-08-2022 11:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Bắt đầu từ năm học tới, nhiều trường đại học sẽ áp dụng việc tăng học phí. Dù lộ trình tăng học phí đã được báo trước nhưng học phí các trường áp dụng từ năm nay vẫn là một gánh nặng lớn với sinh viên, nhất là các trường được tự chủ tài chính.

'Việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội'"Việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội"

SKĐS - Nhiều trường đại học sẽ tăng học phí từ năm học tới đây. Theo các chuyên gia, việc tăng học phí tất nhiên sẽ khó nhận được sự đồng thuận của tất cả sinh viên và phụ huynh nhưng không tăng học phí thì không thể có chất lượng cao trong đào tạo.

Thí sinh cân nhắc đổi nguyện vọng, sinh viên tìm cách làm thêm khi học phí tăng

Vấn đề tăng học phí trong năm học tới tại các trường đại học (ĐH) trên cả nước vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt khi so sánh với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao hơn ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 30 cơ sở giáo dục ĐH thông báo học phí năm học 2022-2023. Với những thí sinh đang trong thời gian lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì ngoài việc cân nhắc về điểm số, lựa chọn ngành yêu thích… thì học phí cũng là một trong những yếu tố quyết định để chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Đỗ Chí Hiếu đạt được số điểm cao khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) nhưng em vẫn chưa quyết định được nguyện vọng đăng ký bởi lý do học phí. Hiếu cho biết: "Em mơ ước được trở thành một sinh viên ngành y. Tuy nhiên, có lẽ em sẽ phải đổi lại nguyện vọng vì học phí của ngôi trường mà em muốn được vào học lại quá sức với kinh tế của gia đình".

Tăng học phí ở các trường tự chủ tài chính - Áp lực dồn lên vai người học - Ảnh 2.

Nhiều học sinh mơ ước vào trường ĐH yêu thích nhưng không phải lúc nào cũng toại nguyện do rào cản học phí. Ảnh minh họa.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022, học phí của nhiều ĐH tăng từ 30-70%. Dù lộ trình tăng đã được báo trước nhưng học phí các trường áp dụng từ năm nay vẫn là một gánh nặng lớn với sinh viên, nhất là các trường được tự chủ tài chính.

Trần Vân Nhi (SV năm 2 Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, năm nay, nhà trường dự kiến tăng học phí với SV hệ chính quy lên mức 4,2 triệu đồng/tháng. So với năm học trước, SV năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu đồng. Với các năm học tiếp theo, mỗi năm sẽ tiếp tục tăng 2 triệu đồng so với năm học đầu tiên.

"Khi mà mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cộng với việc tăng học phí thì quả thực là một gánh nặng lớn đối với những gia đình có con phải học xa nhà như em. Từ tháng sau, em sẽ phải đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ các khoản chi phí sinh hoạt như ăn uống, phòng trọ... Em hy vọng, tới đây nhà trường sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để việc học của chúng em trở nên nhẹ nhàng hơn", Vân Nhi chia sẻ.

Mức học phí tăng nên được tính toán đảm bảo sức chịu đựng của người học

Chia sẻ với người học, ông Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM - một trong 23 trường tự chủ hoàn toàn cho biết, học phí năm học tới của trường tăng từ 5-7% tùy theo ngành. "Mức tăng này tính toán theo mức trượt giá. Trường không tăng học phí nhiều vì thực tế các dịch vụ giáo dục cũng không thay đổi nhiều so với năm trước.

SV khóa mới và khóa cũ, cùng hưởng dịch vụ giáo dục như nhau nhưng người đóng 18 triệu đồng, người đóng 28 triệu đồng rõ ràng có sự bất bình đẳng. Hơn nữa, mức học phí tăng cũng được tính toán đảm bảo sức chịu đựng của người học và đó cũng là trách nhiệm chia sẻ với người học và xã hội" - ông Hà cho biết.

Còn theo chuyên gia giáo dục PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống: Trước đây, hai lĩnh vực y tế và giáo dục được miễn phí. Nhà nước yêu cầu phổ cập THCS thì đồng nghĩa với việc phải miễn học phí ở bậc học này. Ở bậc ĐH thì khác, vì lợi thế khi tốt nghiệp ĐH là rất rõ ràng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm có thu nhập nên dù gia đình nghèo cũng cố gắng cho con em vào ĐH bằng được. Vì vậy, thu học phí ĐH là hợp lý. Tuy nhiên, học phí phải đi cùng với chất lượng.

Những trường ĐH tự chủ tài chính cũng chia làm hai dạng. Những trường quản lý tốt thì đủ sức để phát triển nhưng trường không đủ sức mà thu học phí cao thì thiệt thòi cho sinh viên nghèo. Thu học phí cao phải đi kèm với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nếu chỉ là tìm cách để có nguồn thu, đủ tài chính để hoạt động thì không ổn.

"Phụ trách một quỹ học bổng, tôi để ý những năm gần đây, nhiều SV nghèo không vào được trường Y. Người giỏi mà không vào được ĐH mình mơ ước thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân họ mà về lâu dài còn thiệt thòi cho cả xã hội. Các trường cần tính đến phương án những hệ đào tạo chất lượng cao, có khả năng thu tiền thì có thể tuyển đầu vào thấp hơn một chút. Lấy từ nguồn kinh phí này bù lại cho những sinh viên giỏi nhưng kinh tế khó khăn...".

"Với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu?" - TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT đặt câu hỏi.

Theo TS. Lê Trường Tùng, giáo dục ĐH là một dịch vụ vừa mang tính "công ích" (tạo nguồn nhân lực trình độ cao nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội - việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính "tư ích" (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân). Về nguyên tắc ai hưởng lợi thì cần tham gia chi trả. Việc chi từ ngân sách cho giáo dục ĐH (gồm cả việc hỗ trợ trường tư qua thuế và đất giáo dục) thực tế là nghĩa vụ của nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này.

Tuy nhiên, nghịch lý của chúng ta hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Theo TS. Tùng: "Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình "tự túc"!".

Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng).

Theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ có các mức khác nhau tùy thuộc vào từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.

Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Các trường tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.

Toàn cảnh điểm sàn các trường đại học y dược năm 2022Toàn cảnh điểm sàn các trường đại học y dược năm 2022

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, các trường, khoa đào tạo nhóm ngành này đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm - xét học bạ và đánh giá năng lực năm nay.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn