Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá xăng luôn hài hoà lợi ích, có tăng có giảm để tránh gây sốc. Tuy nhiên, với 5 lần tăng giá xăng từ đầu năm và chưa có một lần giảm, thực tế người dân và doanh nghiệp lại đang rất… “sốc”.
Tại cuộc họp báo quý 2 của Bộ Tài chính diễn ra chiều nay (8.7), Bộ Tài chính thống kê giá xăng có 9 lần điều chỉnh, 3 lần điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online, Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn phải đính chính lại con số thống kê này quá cũ. Thực tế, kể từ đầu năm đến nay ông Tuấn thừa nhận giá xăng tăng 5 lần, chưa có lần nào được điều chỉnh giảm.
Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Tài chính, cũng như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), kể từ đầu năm đến nay có 10 lần điều chỉnh với 5 lần tăng và 5 lần giảm giá. Tuy nhiên, điều đáng nói mặt hàng xăng vốn chiếm hơn 60% tổng lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường không giảm một lần nào. Cụ thể, tổng cộng 5 lần tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng. Còn các lần giảm giá chủ yếu ở mặt hàng dầu Diesel, với mức độ rất nhỏ giọt chỉ từ 100 đồng - 150 đồng/lít.
Tại cuộc họp báo, ông Tuấn cũng cho biết trong lần điều chỉnh giá xăng 8 giờ tối 7.7, nếu lần này Bộ không cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, thực tế giá xăng phải tăng khoảng hơn 900 đồng/lít. Ông Tuấn cũng khẳng định, mỗi lần điều chỉnh giá liên Bộ Tài chính – Công thương có tính toán đến lợi ích các bên. Sự hài hoà này cũng được khẳng định cho thời điểm điều chỉnh giá xăng thường xuyên diễn ra vào 8 giờ tối, theo ông Tuấn nhằm đảm bảo an toàn lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, hiện tại giá xăng được điều hành theo hướng, liên Bộ quyết định áp giá trần, sau đó các doanh nghiệp tự quyết định mức giá tăng cụ thể trong trần cho phép.