Hà Nội

‘Tăng giá điện là cần thiết nhưng phải công khai, minh bạch chi phí đầu vào’

14-02-2023 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, việc tăng giá điện là cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm và tăng có lộ trình để không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống.

Thủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế không chịu đượcThủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế không chịu được

SKĐS - Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề giá điện theo tinh thần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tránh điều hành "giật cục", cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Tính toán để không gây xáo trộn mặt bằng giá cả

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng từ ngày 3/2/2023. Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Tăng giá điện là cần thiết nhưng phải công khai, minh bạch chi phí đầu vào - Ảnh 2.

Cần có lộ trình tăng giá điện hợp lý.

So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh. 

Theo Cục Điều tiết điện lực, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Do đó, Bộ Công Thương nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg - đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh khung giá điện bình quân sẽ là một trong những căn cứ để quyết định giá bán lẻ điện bình quân cho từng thời điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá điện sẽ không điều chỉnh ngay và nếu có tăng, giá điện cũng sẽ không được thấp hơn hoặc cao hơn trong khung giá vừa ban hành.

Theo TS Thịnh, tăng giá điện là lộ trình cần thiết nhưng việc tăng giá bao nhiêu, thời gian thế nào, mức độ ra sao thì cần phải được tính toán một cách rất cẩn trọng, để từ đó không gây nên sự xáo trộn trong mặt bằng giá cả của nền kinh tế cũng như đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Và trên cơ sở đó tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng (GDP) có thể đạt cao nhất.

"Chắc chắn khi giá bán điện tăng sẽ gây áp lực lên người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó khi xem xét giá bán điện cần cẩn trọng tất cả các chi phí liên quan như phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ... để có mức tăng hợp lý", TS Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trước những biến động về giá nhiên liệu đầu vào, hầu hết các nước trên thế giới đều đã điều chỉnh tăng giá bán điện. Trong khi đó, giá điện trong nước bình ổn, cho thấy nỗ lực lớn của ngành điện và Chính phủ. Chi phí nhiên liệu đầu vào tăng, các chi phí quản lý, sản xuất… tăng trong khi giá bán điện cố định mà không được điều chỉnh thì ngành điện sẽ bị lỗ là đương nhiên. Tuy vậy, việc tăng giá điện cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng, vì liên quan đến từng người dân, doanh nghiệp.

Cần có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng điện cho rằng, vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng báo nhiêu mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng. Đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng điều quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào.

Ông Lâm phân tích, trên thực tế, xu thế toàn cầu hiện nay là giảm nhiệt điện than, tăng năng lượng tái tạo. Tuy vậy, theo dự thảo, Việt Nam sẽ nhập 55 triệu tấn than tới năm 2025, 95 triệu tấn vào năm 2030 trong khi trong nước vẫn đang thừa các nguồn nội khác. Do đó, Việt Nam cần xem xét giảm điện than, đặc biệt là than nhập.

"Nhìn lại giai đoạn đầu tiên của lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh là giai đoạn vận hành cơ chế phát điện cạnh tranh, rõ ràng còn nhiều bất cập, quá nhiều việc chưa làm được. Phát điện vẫn còn bóng dáng độc quyền chi phối khi không phải nhà máy điện nào cũng được chào giá trên thị trường hoặc bán với giá tốt. Đã có không ít phản ánh về việc nhiều nhà máy công suất nhỏ bị đối xử bất bình đẳng khi tham gia chào giá.

"Tương tự, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã qua giai đoạn thử nghiệm và bước vào giai đoạn vận hành chính thức nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả cụ thể. Chỉ khi thu hút được thật nhiều người bán trên thì mới có một thị trường đúng nghĩa. Hiện mới chỉ có các nhà máy BOT tham gia thị trường này, còn lại đa phần thủy điện, điện sinh khối, điện tái tạo... đều đứng ngoài. Do đó, bổ sung cơ chế cho càng nhiều người bán tham gia thị trường là tối cần thiết trong việc xây dựng khung pháp lý để thực hiện lộ trình mong muốn", TS Ngô Đức Lâm nói.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm... Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.

Do vậy, để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, các chuyên gia cho rằng có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm 2 đợt, và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7-8%, tránh gây sốc quá lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo tính toán của Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng, năm 2023 sẽ không xảy ra tình trạng quá căng thẳng về nguồn điện do nhu cầu sử dụng điện được dự báo không cao hơn năm 2022, trong khi công suất đặt của các nguồn điện hiện hữu đã lên tới gần 80.000MW và một số dự án nguồn điện lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW) dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các tiêu chuẩn phát điện thương mại trong quý I/2023 sẽ hỗ trợ lớn cho việc đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Bắc.

Bộ Công thương nói gì về việc EVN đề xuất điều chỉnh giá điện như xăng dầu?Bộ Công thương nói gì về việc EVN đề xuất điều chỉnh giá điện như xăng dầu?

SKĐS - Chiều 3/1/2023, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022. Tại buổi họp, báo chí đã đặt câu hỏi đến Bộ Công thương liên quan đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chợ Tam Bạc Bốc Cháy Ngùn Ngụt, Tiểu Thương Thẫn Thờ Nhìn Tài Sản Bị Thiêu Rụi | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn