Trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trung ương thăm khám, điều trị
Liên quan đến thực hiện giảm tải bệnh viện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng thời gian qua, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Y tế thông tin, theo kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 2700 khoa, khoa cận lâm sàng là 977 khoa. Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 1039 khoa, khoa cận lâm sàng là 362 khoa.
Bộ Y tế cũng cho hay, số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 4980 giường, tuyến tỉnh- thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường.
Số giường bệnh thực kê là 56.501 giường, tuyến Trung ương tăng 8822 giường, tuyến tỉnh -thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.
Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm tải cho tuyến trên, nâng cao chất lượng điều trị cho tuyến dưới. Trong ảnh, bác sĩ BV Nhi TW thăm khám cho trẻ em xã Yên Sơn- TP Tam Điệp- Ninh Bình tại Trạm Y tế xã
Trong báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, thời gian qua ngành y tế đẩy mạnh thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.
Dẫn chứng, Bộ trưởng cho biết đã ký Quyết định số 5168/QĐ-BYT về phê duyệt đề án: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020”.
Theo đó, Đề án gồm các nội dung lựa chọn một số bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng I thuộc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế Tp Hồ Chí Minh hỗ trợ 26 xã điểm; xây dựng mô hình mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận cán bộ bệnh viện tuyến Trung ương về khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để chẩn hóa phác đồ điều trị; chuyển giao công nghệ khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã, phường. Đề án cũng nhằm tạo phong trào thực hiện nghĩa vụ luân phiên cán bộ từ trung ương, tỉnh, huyện xuống xã.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tiếp tục phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh/thành phố.
Theo đó, các bệnh viện hạt nhân đã thực hiện việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh tập trung vào các nhóm bệnh có tỷ lệ chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đề án thông qua việc thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh. Đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bệnh viện vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Gần 84% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế
Trong báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện ngành Y tế, đặc biệt là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế “Xanh-sạch-đẹp”.
“Theo đánh giá độc lập, đánh giá sự hài lòng người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện thuộc Trường và Bệnh viện tuyến tỉnh, năm 2018 có 83,7% người bệnh hài lòng về dịch vụ y tế.
Người dân được chỉ dẫn quy trình khám chữa bệnh cụ thể ngay từ khi vào bệnh viện
Tỷ lệ hài lòng theo tuyến cung cấp dịch vụ càng lên tuyến trên tỷ lệ hài lòng của người sử dụng dịch vụ đối với các cơ sở y tế công lập càng cao (84,5%, đối với tuyến trung ương, 83,3%đối với tuyến tỉnh) và đạt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Y tế vào năm 2020 (mức >80%)”-.
Về nội dung này, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, Bộ Y tế tổ chức thí điểm chương trình khảo sát sự hài lòng của người bệnh qua điện thoại tại 60 bệnh viện trong 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả cho thấy, sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh đạt 80,8% (năm 2017 đạt 79,6%).
Thực hiện tự chủ, giúp giảm hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước cấp cho các bệnh viện
Liên quan đến vấn đề phương thức quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện, Bộ Y tế cho biết, số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (có nguồn thu <10% chi hoạt động) giảm.
Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 28 đơn vị chiếm 1,3% tổng số đơn vị);
Đối với 1.364 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên thì mức tự chủ cũng rất cao, nhiều đơn vị đã tự chủ được từ 80-90% nguồn tài chính.
Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.320 tỷ đồng, TP Hà Nội giảm 520 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 200 tỷ đồng, Bình Định 300 tỷ đồng….
Bệnh viện K- một trong những cơ sở y tế thực hiện tự chủ bệnh viện
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, tính đến năm 2018 có 24 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 34,8% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013 mới có 6 đơn vị chiếm 10% tổng số đơn vị).
Đến năm 2019 chuyển thêm 04 đơn vị từ nhóm tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên, nâng tổng số đơn vị tự chủ thành 28 đơn vị. Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 30.826 người (của 26 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.