Tôi bị đái tháo đường, hiện nay đang phải dùng thuốc glucocorticoid, tuy nhiên khi dùng kiểm tra đường huyết lại thấy tăng. Xin hỏi như vậy có nguy hiểm không? Tôi nên làm thế nào?
Đoàn Thị Hà (Cầu Giấy - Hà Nội)
Do tăng đường máu làm tăng nguy cơ bị các biến chứng nên mọi trường hợp đường máu tăng lên, dù là tạm thời và dù nguyên nhân gì, đều cần phải điều trị. Một nguyên tắc chung là khi bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) bị ốm, cần điều trị thêm thuốc mới thì đều phải kiểm tra đường máu thường xuyên hơn, có khi 3 - 4 lần mỗi ngày và cân nhắc điều trị can thiệp ngay khi thấy đường máu tăng cao.
Mức độ gây tăng đường máu của mỗi loại thuốc là khác nhau và chúng ta không thể dự đoán chính xác được. Tuy nhiên có một số thuốc hay gây tăng đường máu rõ rệt và cần theo dõi đường máu chặt chẽ, đặc biệt khi điều trị kéo dài. Điển hình là thuốc glucocorticoid, dù chỉ dùng một mình, cũng có thể gây tăng đường máu nặng và làm kiểm soát đường máu rất khó khăn.
Với các bệnh nhân ĐTĐ týp 1, nếu phải điều trị glucocorticoid:
- Đo đường máu trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ (4 lần/ ngày).
- Nếu đường máu tăng trên 150mg/dl (8,3 mmol/l) thì tiêm thêm 1 mũi insulin tác dụng nhanh (Lispro).
- Khi phải dùng glucocorticoid dài ngày, đường máu cũng tăng cố định thì đồng thời điều chỉnh liều của mũi tiêm insulin bán chậm hoặc chậm cho tới khi không cần phải tiêm thêm mũi insulin tác dụng nhanh nữa.
- Khi bắt đầu giảm liều hoặc ngừng hẳn glucocorticoid thì cũng giảm liều dần mũi insulin bán chậm hoặc chậm.
Với các bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nếu phải điều trị glucocorticoid:
- Điều chỉnh chế độ ăn và/hoặc liều của các thuốc uống hạ đường huyết. Tuy nhiên biện pháp này hiếm khi đủ để kiểm soát đường máu.
- Tốt nhất những người bệnh này nên tuân theo phương pháp áp dụng với các bệnh nhân ĐTĐ týp 1 nêu trên: Tiêm thêm insulin nhanh khi đường máu tăng nhất thời trong giai đoạn ngắn, còn tiêm thêm insulin bán chậm hoặc chậm khi đường máu tăng cao kéo dài.
Trường hợp các thuốc gây đường máu tăng nhẹ thì chỉ cần tiêm thêm 1-2 mũi insulin tác dụng nhanh nếu là bệnh nhân ĐTĐ týp 1. Còn với các bệnh nhân ĐTĐ týp 2, có thể kiểm soát được đường máu bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, hoặc cho thêm thuốc uống hạ đường máu (nếu bệnh nhân chưa dùng) hoặc tăng liều thuốc.
Với trường hợp của bác không nói rõ là đang bị ĐTĐ týp mấy, vì vậy tốt nhất bác nên đến bệnh viện chuyên khoa để khám và kịp thời điều trị.
Chúc bác mau khoẻ!
ThS. Nguyễn Bảy