Hà Nội

Tăng đường huyết do thuốc nội tiết ở người đái tháo đường, xử trí như thế nào?

20-02-2023 15:25 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Một số thuốc nội tiết có thể khiến mức đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường tăng lên khó kiểm soát. Vậy ứng phó với tình trạng nay như thế nào?

Bản chất các thuốc này là những nội tiết tố, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nhìn chung, hầu hết các nội tiết tố đều có khả năng gây tăng đường huyết do thúc đẩy tăng tổng hợp thêm nhiều đường glucose mới hoặc do làm giảm tác dụng của insulin ở các mô.

1. Các thuốc nội tiết làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

1.1. Glucocorticoid

Glucocorticoid là một nội tiết tố của tuyến thượng thận, được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị viêm khớp, hen phế quản, dị ứng...

Các loại thuốc glucocorticoid thường dùng là: Prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone... Dù được sử dụng theo đường uống, hay tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm tại khớp... thì thuốc này đều có thể làm tăng đường huyết, thậm chí gây tăng đường huyết nặng.

Ngay cả ở một số người chưa hoặc không mắc đái tháo đường, nếu phải điều trị bằng glucocorticoid dài ngày, cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường. Nguyên nhân là do glucocorticoid không những làm tăng tổng hợp glucose mà còn làm tăng đề kháng insulin (làm giảm tác dụng của insulin) .

Bệnh nhân đái tháo đường cần cảnh giác với các thuốc nội tiết làm tăng đường huyết - Ảnh 1.

Nhiều loại thuốc gây tăng đường huyết.

1.2. Nội tiết tố tuyến giáp (L-T4)

Với các thuốc như levothyroxin, levothyrox, L-thyroxin... là các thuốc được dùng để điều trị cho bệnh nhân bị suy tuyến giáp. Một số bệnh nhân suy tuyến giáp lại có kèm theo bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, tăng đường huyết chỉ xảy ra khi bệnh nhân được điều trị ở liều cao. Với các bệnh nhân điều trị liều thấp hoặc trung bình và ở trong tình trạng bình giáp thì rất hiếm khi có tăng đường huyết.

Cơ chế gây tăng đường huyết của nội tiết tố tuyến giáp chưa được biết rõ, nhưng một phần là do thuốc làm tăng đề kháng và làm giảm tác dụng của insulin.

1.3. Thuốc tránh thai đường uống

Các thuốc tránh thai đường uống có bản chất là các steroid (estrogen, progesterone) có khả năng gây tăng đường huyết, do cũng làm tăng đề kháng với insulin ở các mô. Nguy cơ làm tăng đường huyết của thuốc gia tăng ở các phụ nữ bị thừa cân hoặc béo phì, hoặc có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ.

Tuy nhiên, các thuốc tránh thai đường uống, cũng giống như 2 loại thuốc nêu trên, không phải là chống chỉ định cho các bệnh nhân đái tháo đường, mà khi dùng thì cần theo dõi đường huyết và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

1.4. Hormone tuyến tụy

Có 2 nội tiết tố của tuyến tụy làm ảnh hưởng đến đường huyết là glucagon và insulin. Trong đó, glucagon là hormone polypeptid nội sinh do các tế bào alpha (tế bào α) của đảo langerhans tụy sản xuất. Glucagon có tác dụng làm tăng nồng độ glucose huyết bằng cách kích thích phân giải glycogen và tân tạo glucose ở gan. Trong bệnh đái tháo đường, glucagon được dùng điều trị cấp cứu hạ glucose huyết nặng ở người đái tháo đường khi dùng insulin hoặc thuốc uống hạ glucose huyết.

Insulin là một hormone do tế bào β của đảo tụy bài tiết, có vai trò làm giảm đường huyết và được sử dụng điều trị làm hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Các nội tiết tố glucagon và insulin hoạt động trái ngược nhau. Sự mất cân bằng giữa 2 nội tiết tố này sẽ gây ra sự tăng vọt hoặc hạ thấp của đường huyết.

1.5. Hormone tủy thượng thận

Tuyến tủy thượng thận là nơi chủ yếu sản xuất các hormone đóng vai trò làm tăng hoạt động của hệ tim mạch là catecholamine, bao gồm 2 nội tiết tố adrenalin, noradrenalin. Hai nội tiết tố này làm tăng phân giải glycogen thành glucose ở gan, sau đó giải phóng glucose này vào máu, làm tăng đường huyết.

2. Điều trị tăng đường huyết do thuốc nội tiết

Các nội tiết tố làm tăng đường huyết chính là cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường. Tuy nhiên, nó chỉ gây ra bệnh khi cơ thể có những bất ổn nhất định.

Để phòng ngừa, cách tốt nhất là thực hiện một chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Một khi đã phát hiện ra bệnh, cần nhanh chóng thăm khám và điều trị kịp thời.

Về vấn đề điều trị tăng đường huyết dù là tạm thời hay mãn tính và tăng đường huyết do nguyên nhân gì, đều rất cần thiết để tránh các biến chứng.

Mức độ gây tăng đường huyết của mỗi loại thuốc là khác nhau, không thể dự đoán chính xác được. Tuy nhiên có một số thuốc hay gây tăng đường huyết rõ rệt và cần theo dõi chặt chẽ, đặc biệt khi điều trị kéo dài. Điển hình là thuốc glucocorticoid, dù chỉ dùng một mình, cũng có thể gây tăng đường huyết nặng và làm kiểm soát đường huyết rất khó khăn.

Khi bệnh nhân đái tháo đường bị ốm, cần điều trị thêm thuốc mới, đều phải kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn, thậm chí phải đo đường huyết 3 - 4 lần mỗi ngày và cân nhắc điều trị can thiệp ngay khi thấy đường huyết tăng cao.

Do đó với bệnh nhân đái tháo đường type 1 nếu cần điều trị bằng glucocorticoid, cần thực hiện các bước sau:

  • Đo đường huyết trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ (4 lần/ngày).
  • Nếu đường huyết tăng trên 150 mg/dl (8,3 mmol/l) thì tiêm thêm 1 mũi insulin tác dụng nhanh (Lispro).
  • Khi phải dùng glucocorticoid dài ngày, đường huyết cũng tăng cố định thì đồng thời điều chỉnh liều của mũi tiêm insulin bán chậm hoặc chậm cho tới khi không cần phải tiêm thêm mũi insulin tác dụng nhanh nữa.
  • Khi bắt đầu giảm liều hoặc ngừng hẳn glucocorticoid thì cũng giảm liều dần mũi insulin bán chậm hoặc chậm.
Bệnh nhân đái tháo đường cần cảnh giác với các thuốc nội tiết làm tăng đường huyết - Ảnh 4.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên để kiểm kịp thời soát mức đường huyết.

Với bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần phải điều trị bằng glucocorticoid, cần thực hiện các bước:

  • Điều chỉnh chế độ ăn và/hoặc liều của các thuốc uống hạ đường huyết. Tuy nhiên biện pháp này hiếm khi đủ để kiểm soát đường huyết.
  • Nên tuân theo phương pháp áp dụng với các bệnh nhân đái tháo đường type 1: Tiêm thêm insulin nhanh khi đường huyết tăng nhất thời trong giai đoạn ngắn, còn tiêm thêm insulin bán chậm hoặc chậm khi đường huyết tăng cao kéo dài.
  • Trường hợp các thuốc gây đường huyết tăng nhẹ, có thể kiểm soát được đường huyết bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, hoặc cho thêm thuốc uống hạ đường huyết (nếu bệnh nhân chưa dùng) hoặc tăng liều thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Phẫu thuật nối chi.

TS.Nguyễn Vinh Quang
Nguyên Phó giám đốc BV Nội tiết TW
Ý kiến của bạn