1. Tăng động giảm chú ý là gì?
- 1. Tăng động giảm chú ý là gì?
- 2. Phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý
- 3. Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
- 3.1 Thuốc kích thích thần kinh trung ương điều trị ADHD như thế nào?
- 3.2 Thuốc không kích thần hoạt động như thế nào để điều trị ADHD?
- 4. Liệu pháp kết hợp
- 5. Tác dụng phụ của thuốc tăng động giảm chú ý
- 6. Những lưu ý khi dùng thuốc
- 7. Có cần dùng thực phẩm bổ sung?
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn biểu hiện ở thời thơ ấu với các triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc và xã hội. Các hành vi phổ biến ở trẻ nhỏ bị ADHD bao gồm:
- Hiếu động thái quá
- Sự mất ổn định cảm xúc
- Hành vi chống đối
- Khó khăn phối hợp
- Không chú ý, tập trung.
2. Phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý
Mặc dù không thể điều trị khỏi, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị giúp kiểm soát chứng rối loạn này và giảm thiểu ảnh hưởng của nó đến cuộc sống hàng ngày của trẻ.
Các phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất là dùng thuốc và liệu pháp hành vi, thường được kết hợp cùng nhau. Khi nhận thấy, trẻ có biểu hiện tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa tâm thần nhi để được chẩn đoán, đánh giá chính xác, cũng như được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không nên tự ý tìm mua thuốc cho trẻ uống mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
3. Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
Việc sử dụng thuốc hay không phải do bác sĩ chuyên môn chỉ định. Khi các triệu chứng ADHD ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục hoặc xã hội, thì thuốc thường được xem xét.
Thuốc thường được kê đơn để kiểm soát hành vi hiếu động và bốc đồng, đồng thời tăng cường khả năng tập trung. Thuốc hoạt động bằng cách kích thích sản xuất và cân bằng mức độ của một số chất hóa học (được gọi là chất dẫn truyền thần kinh) trong não. Có hai loại thuốc được sử dụng để điều trị ADHD ở trẻ em, thanh niên và người lớn là thuốc kích thích thần kinh trung ương và thuốc không kích thần.
3.1 Thuốc kích thích thần kinh trung ương điều trị ADHD như thế nào?
ADHD là một chứng rối loạn thần kinh, do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh, hoặc một nhóm chất dẫn truyền thần kinh, trong các khu vực cụ thể của não. Chất dẫn truyền thần kinh là hóa chất truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh.
Một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng thường bị thiếu ở trẻ mắc ADHD là norepinephrine, cùng với các chất xây dựng của nó, dopa và dopamine. Về lý thuyết, các loại thuốc kích thích thần kinh trung ương được sử dụng để điều trị ADHD kích thích các tế bào cụ thể trong não sản xuất nhiều chất dẫn truyền thần kinh bị thiếu hụt này. Đó là lý do tại sao những loại thuốc này được gọi là thuốc kích thần. Hai loại thuốc kích thần chính là methylphenidate và dextro-amphetamine. Tất cả các biệt dược đều là biến thể của hai loại thuốc này.
3.2 Thuốc không kích thần hoạt động như thế nào để điều trị ADHD?
Thuốc không kích thần thường được kê đơn khi thuốc kích thần không phát huy tác dụng hoặc không phù hợp với tiền sử bệnh của trẻ. Thuốc không kích thần atomoxetine là một chất ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc (SNRI), thuốc hoạt động bằng cách tăng nồng độ của norepinephrine và dopamine trong vỏ não trước, được cho là có tác dụng điều chỉnh hành vi và do đó giúp giảm các triệu chứng ADHD. Clonidine và guanfacine là alpha2-agonist, những loại thuốc này hoạt động bằng cách bắt chước tác động của norepinephrine trong các thụ thể của vỏ não trước trán.
4. Liệu pháp kết hợp
Thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ADHD, nhưng không phải là "thuốc chữa". Các chuyên gia thường khuyến nghị kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi. Hình thức trị liệu này hướng dẫn cho cha mẹ và giáo viên các chiến lược để giúp trẻ học cách thay thế những hành vi tiêu cực bằng những hành vi tích cực.
5. Tác dụng phụ của thuốc tăng động giảm chú ý
Tất cả các loại thuốc điều trị ADHD đều có thể có tác dụng phụ. Những điều này thường là tạm thời và có thể được điều chỉnh bằng cách giảm liều hoặc thay đổi thời gian dùng thuốc. Thuốc kích thích có thể gây chán ăn, khó ngủ, sụt cân, cáu kỉnh hoặc tăng lo lắng.
Mặc dù có nhiều lo lắng rằng thuốc kích thích có thể làm chậm sự phát triển của trẻ em, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thuốc kích thích thường không ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng của một đứa trẻ. Tuy nhiên, đối với một số trẻ em, thuốc có thể làm chậm hơn tốc độ tăng trưởng.
Các tác dụng phụ rất hiếm gặp hoặc nghiêm trọng của thuốc điều trị ADHD có thể bao gồm các vấn đề về tim ở trẻ em bị dị tật tim từ trước. Các bậc cha mẹ cần trao đổi cụ thể với bác sĩ để đảm bảo trẻ được kiểm tra y tế kỹ lưỡng và xem xét tiền sử sức khỏe trước khi dùng thuốc điều trị ADHD.
Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc điều trị ADHD không nghiêm trọng. Nhưng khi có bất kỳ tác dụng phụ nào cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của trẻ. Theo dõi các dấu hiệu bất thường và trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ lo lắng nào.
6. Những lưu ý khi dùng thuốc
Để đạt được hiệu quả cao nhất khi dùng thuốc, cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ kê đơn và nghe theo lời khuyên của họ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu dùng thuốc. Thông tin liên lạc này là cần thiết để điều chỉnh liều lượng và kiểm soát các tác dụng phụ một cách kịp thời.
Theo dõi trẻ chặt chẽ và chú ý đến những gì trẻ nói về cảm giác của trẻ khi dùng thuốc. Giữ liên lạc với bác sĩ của trẻ và các bác sĩ lâm sàng khác để tìm ra giải pháp tốt nhất cho con bạn.
7. Có cần dùng thực phẩm bổ sung?
Có rất ít bằng chứng chứng minh hiệu quả của các chất bổ sung tự nhiên để điều trị ADHD. Trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung tự nhiên nào, hãy luôn nói chuyện với bác sĩ của bạn trước vì chúng có thể gây ra các tương tác nguy hiểm với các loại thuốc và tình trạng y tế khác.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Ngày đầu năm 2022, nhiều địa phương phải dừng hoạt động vì ca mắc mới tăng chóng mặt