Y tế cơ sở luôn được coi là cánh tay nối dài của ngành y tế, là nơi mà mọi người được chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, vì thế ngành y tế luôn luôn quan tâm đến tuyến y tế này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở còn khiêm tốn, thậm chí còn khó khăn, do nguồn kinh phí hạn hẹp. Đặc biệt là đầu tư cho trạm y tế xã, bệnh viện huyện không ai muốn đầu tư. Vì vậy, chỉ có nguồn vốn từ Nhà nước, trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước rất hạn hẹp.
Trạm y tế xã Đông Thắng, huyện Cờ đỏ, Cần Thơ được trang bị máy siêu âm hiện đại.
Trong khi đó để hội nhập với thế giới chúng ta cần phải chuẩn hóa đội ngũ nhân lực y tế cũng như trang thiết bị y tế của tuyến này. Đây là một lộ trình được xây dựng phù hợp để y tế cơ sở sẽ bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Thực tế trong quá trình hoạt động ở y tế cơ sở vẫn có những địa phương có cách làm hay để vận động đầu tư cho y tế tuyến xã.
Theo BS. Bùi Thị Lệ Phi - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, vấn đề khó nhất ở y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến trạm y tế xã là làm sao để dân tin tưởng và tìm đến cơ sở. Muốn dân tìm đến trạm, tin tưởng ở trạm thì tại đó phải có các thiết bị máy móc hiện đại, bác sĩ có trình độ chẩn đoán và cũng phải giảm bớt các thủ tục hành chính. Làm cho trạm y tế xã hoạt động năng động như bệnh viện thu nhỏ. Để có tiền mua sắm kinh phí cho trạm y tế xã, trong khi nguồn nhân sách nhà nước còn eo hẹp, chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức phát động Lễ đi bộ với khẩu hiệu “Ngành y tế Cần Thơ hướng về cơ sở”. Thông qua Lễ đi bộ, ngành y tế mong muốn các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần nhận thức được việc chăm sóc sức khỏe nhân dân là việc chung của toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Để tránh lãng phí và sử dụng các thiết bị hiệu quả, Sở Y tế ưu tiên cấp cho các trạm y tế ở vùng xa trung tâm quận huyện và chỉ cấp cho các trạm y tế có người biết sử dụng. Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh một vấn đề là, ở các trạm y tế vùng sâu, vùng xa thì trình độ y bác sĩ lại không đảm bảo, bởi thực tế này luôn là vấn đề đau đầu của ngành y tế. Lý giải vấn đề này, BS. Phi cho biết, hiện tại 68 trạm y tế ở Cần Thơ đã có biên chế bác sĩ, còn những trạm khuyết bác sĩ chúng tôi đã luân phiên điều động bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế tại trạm theo hình thức đào tạo tại chỗ để các cán bộ y tế gắn bó lâu bền với trạm, đồng thời sẽ đào tạo theo định hướng bác sĩ y học gia đình để phát triển mô hình bác sĩ gia đình.
Theo báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ, hiện nay có 39/85 trạm y tế có máy đo điện tim; 26/85 trạm có máy siêu âm. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân khám và điều trị ở tuyến xã phường đã tăng cao, năm 2011 tuyến xã phường khám được 778.192 lượt người thì đến năm 2015 số người đến khám và điều trị đã tăng lên 907.490 lượt. Cần Thơ cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số trạm y tế tuyến xã đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn mới.