Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu một số nội dung về: tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; luật hóa quy định về đánh giá, phân loại đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; thay hình thức văn bản kết luận bằng nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ số lượng Hội đồng, Ủy ban nhưng đề nghị đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; giữ quy định vế số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như hiện nay; bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Đề cập những vấn đề cụ thể về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8 cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật còn hẹp, chủ yếu tập trung vào cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 18/NQ-TW mà chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật thời gian qua, đề nghị cần đổi mới một cách căn bản việc thực hiện cả 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và cách thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đổi mới việc tổ chức bầu cử và xác định nhiệm kỳ của Quốc hội,...
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến các ĐBQH đề nghị nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ quan dân cử, tiến tới hoạt động chuyên nghiệp. Các đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, tổ soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều nội dung, nhưng vẫn cần sửa đổi thêm. Về cơ cấu, ĐB Sơn đề nghị cần có chính sách thu hút các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐB hoạt động chuyên trách. “ĐBQH hoạt động chuyên trách là 40%, nhưng cần hoạt động thời gian nhiều hơn, nên có thêm các chuyên gia, nhà nghiên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học cứ có năng lực, trình độ để tham gia đảm bảo ĐB chuyên trách. Xây dựng bảng lương phù hợp cho ĐB chuyên trách làm việc tại các Đoàn ĐB và tại Quốc hội. Cần quan tâm nâng tầm của Ban công tác đại biểu của Quốc hội, để nhân dân thấy đây là chỗ dựa tin tưởng, gửi gắm những kiến nghị vào người ĐB dân cử của mình”, ĐB Sơn nêu ý kiến.
ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, nếu ĐB chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân lưu ý trong quá trình sửa đổi Luật không thể coi Quốc hội như một cơ quan hành chính nhà nước để đặt ra vấn đề tinh giản, tinh gọn mà Quốc hội là tập hợp của 500 ĐB đã được Hiến pháp quy định rõ. Quốc hội là thiết chế quyền lực đại diện của nhân dân, là gốc rễ của hệ thống quyền lực nhà nước. ĐB Vân nhấn mạnh cần nhìn nhận cho đúng nguyên lý về cơ cấu tổ chức để quy định cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
ĐB Lê Thanh Vân cũng cho rằng, về việc tăng ĐB chuyên trách lên như dự kiến là tốt, tuy nhiên lựa chọn người am hiểu, am tường và xử lý hiệu quả công việc là 2 vấn đề khác nhau, có khi lại tác dụng ngược. ĐB chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Do đó cần xem xét và lựa chọn một cách kỹ lưỡng.