Hà Nội

Tảng đá của Cơ

30-09-2018 09:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trần Hoàng Cơ đã tham gia nhiều trại điêu khắc đá quốc tế, cỡ phải đến gần 20 trại. Những nghệ sĩ tham gia trại điêu khắc quốc tế đều biết một điều hiển nhiên: một tảng đá và một nhà điêu khắc, hãy tự đánh vật với nhau cho đến khi thành tác phẩm điêu khắc.

Không có người giúp việc, người nghệ sĩ phải có thể lực tốt, đó cũng là điều kiện đầu tiên, dù có được máy móc hỗ trợ. Những tác phẩm điêu khắc đá sau đó được đặt ở nơi công cộng nên chúng thường có kích thước lớn. Chính vì điều này mà ở Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay các nhà điêu khắc lọt được qua vòng thẩm định của các trại điêu khắc quốc tế.

Trại điêu khắc quốc tế Les Lapidieles 2018 của Pháp được tổ chức hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9 đưa ra một yêu cầu khắt khe: chỉ đục đá bằng tay, không được sử dụng máy móc. Trại điêu khắc này đặt trong một khu rừng nguyên thủy từng là mỏ đá được khai thác sắp hết. Người ta để lại dãy đá cuối cùng. Các nghệ sĩ điêu khắc tạc lên đó các bức tượng. Mùa hè ở nước Pháp cũng là mùa du lịch. Cùng với trại điêu khắc làm điểm nhấn để quảng bá du lịch, họ còn mở các lớp dạy điêu khắc cho cả người lớn và trẻ em. Chính vì vậy,  người ta không cho dùng máy móc để cắt đá gây tiếng ồn lớn và cũng dễ xảy ra tai nạn cho du khách đến tham quan.

Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ bên tác phẩm.

Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ bên tác phẩm.

Trại điêu khắc quốc tế Les Lapidiales 2018 có Cơ tham gia từ 29/6 đến 18/8/2018. Bức tượng của Cơ có tên Lễ cúng cơm mới. Dù không còn trẻ nữa, lại đục thủ công hoàn toàn do sức lực con người, Cơ vẫn háo hức lên đường. Trước khi đi, Cơ vào làng Đa Sỹ để thửa 20 cái đục mang theo.

Sang đến Pháp, Cơ nghỉ ngơi 1 ngày rồi bắt tay vào công việc. Bức tượng của Cơ cao 2,2m, đế cao 80cm. Ngày thứ 4 khi Cơ đang mải tập trung vào công việc thì bị lật giàn giáo do dựng không đúng quy chuẩn. Những người lính cứu hỏa đến hiện trường để đưa Cơ vào viện. Sau khi chụp phim gót chân của Cơ, bác sĩ đưa phim vào hộp sáng rồi kêu bắn ra một từ tiếng Anh: shit. Chuyện lớn rồi, xương gót chân bị vỡ làm 3. Cơ nằm lại bệnh viện hơn 1 ngày trong khi chân mỗi ngày một sưng to. Cơ láng máng hiểu rằng vấn đề đầu tiên là tiền đâu chưa được giải quyết. Sang ngày thứ hai, bệnh viện tìm một người phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Pháp. Cô phiên dịch nói với Cơ:

- Trường hợp của anh cũng có thể được bệnh viện mổ từ thiện.

Cơ không nghĩ ngợi nhiều về điều đó. Bác sĩ phẫu thuật nói với Cơ:

- Chúng tôi phải tiến hành phẫu thuật. Ông sẽ được làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.

Để cho Cơ yên tâm, bác sĩ phẫu thuật nói rằng ông rất yêu Việt Nam, ông nội của ông ấy có một thời gian sống và làm việc ở Sài Gòn. Chân sưng vù và đau đớn, Cơ chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Hai cô y tá đến nói với Cơ: ông phải tắm rửa sạch sẽ, ông có tự làm được không? Đời nào Cơ để cho hai cô y tá tắm cho chứ, mất thể diện chết… Cơ được đẩy lên phòng phẫu thuật sau khi đã được đi tất trắng vào bên chân không bị què (ở ta gọi là chân có lạt, chân không có lạt). Cái chân tất trắng kia để đánh dấu nó là chân lành, không phải chân què. Bác sĩ dẫu có lên cơn lú hoặc bị bệnh không phân biệt được phải trái thì cũng không bao giờ lại đi mổ cái chân lành để lại chân què. Trên đường lên phòng phẫu thuật có một nhóm người làm công tác xã hội hỏi Cơ:

- Ông có yên tâm về bác sĩ phẫu thuật không? Ông có quen biết ông ấy trước đây không? Nếu ông cảm thấy không yên tâm, chúng tôi có thể đổi bác sĩ phẫu thuật khác cho ông.

Cơ trả lời:

- Tôi yên tâm về bác sĩ phẫu thuật cho tôi.

Thôi thì cứ phải yên tâm và tin tưởng vậy. Bác sĩ gây tê cột sống là bác sĩ nữ, nhẹ nhàng hỏi Cơ những câu tiếng Anh đơn giản.

- Đau không? Nếu đau thì nói nhé.

Cô ấy ngồi cạnh Cơ suốt ca phẫu thuật để quan sát vẻ mặt của Cơ. Thi thoảng cô ấy lấy những ngón tay phẩy phẩy vào mặt Cơ để thử phản xạ của mắt.

Bác sĩ phẫu thuật nói:

- Tôi sẽ rạch hai hình chữ thập trên gót chân của ông. Tôi đã nghiên cứu và biết, ở Việt Nam họ mổ vết thương rộng hơn, như vậy vết thương sẽ lâu lành hơn.

Cơ nghe thấy hết những tiếng khoan và tiếng xủng xoảng của dao kéo va vào nhau. Một lúc sau, người phụ mổ bê vào hai cái khay nặng. Bác sĩ bới trong hai cái khay đó để tìm 4 cái đinh phù hợp với gót chân của Cơ. Hơn 1 giờ, ca mổ hoàn tất sau khi gót chân của Cơ được đóng 4 cái đinh

Ông Alain Tenenbum - nhà điêu khắc, chủ trại điêu khắc quốc tế Les lapidiales gọi điện thoại cho Hà - con gái của Cơ (Hà là kiến trúc sư đã có gần 9 năm học tập và làm việc tại Pháp) để tính đường đưa Cơ về nhà. Khi con gái Cơ gọi điện thoại về nhà để báo tin tai nạn của Cơ, con trai Cơ nói với mẹ:

- Bố không về đâu mẹ ạ, con biết bố kiên cường lắm, bố sẽ ở lại làm cho xong cái tượng rồi mới về nhà. Với bố chỉ có tượng là số một mà.

Thứ bảy mổ, chủ nhật Cơ đã phải ra viện. Họ không muốn Cơ nằm viện lâu vì phải chi trả thêm tiền. Ông Alain mua cho Cơ hai cái nạng và gửi Cơ đến nhà một ông bạn già ở một mình. Được 1 ngày, Cơ thấy bất tiện bèn nói với ông Alain cho về căn phòng của mình. Có người đã khuyên Cơ nên đệ đơn kiện. Cơ gạt phắt, cùng là nghệ sĩ với nhau, không bao giờ Cơ nghĩ sẽ kiện ai đó. Rủi ro đến cỡ nào Cơ cũng nhận về phần mình.

Trại điêu khắc muốn cho các nghệ sĩ thâm nhập sâu vào đời sống của người Pháp nên đã dành một khu nhà riêng để các nghệ sĩ ở, tự đi chợ nấu ăn theo khẩu vị và văn hóa riêng biệt của mình. Phòng ngủ ở trên tầng 2, phòng bếp ở tầng 1, cầu thang hẹp, Cơ gọi điện về cho vợ:

- Ban ơi, đời biết thế nào là đi bằng… đít.

Ờ thì đi bằng đít mà. Xệp đít xuống cầu thang rồi lê từng bậc lên tầng 2. Khi xuống có dễ hơn, lò cò bấu vào lan can cầu thang.

Ngày thứ ba sau khi ở bệnh viện về, Cơ đã tìm ra giải pháp. Một điêu khắc trẻ người Pháp tên là Cedric Henniane nhận làm phần việc cho Cơ sau khi thỏa thuận phần tiền Cơ chi trả. Cơ hoàn thiện chi tiết bức tượng nhỏ bằng thạch cao để chú điêu khắc kia  phóng lên đá. Cũng là ngày thứ ba sau khi mổ Cơ lại ra nơi làm việc. Cơ chỉ đạo chú điêu khắc trẻ đục đẽo theo ý của Cơ và Cơ đục những bức tượng nhỏ.

Một thời gian sau, khách tham quan nơi đục tượng của Cơ có vợ chồng ông thị trưởng, họ nói với Cơ:

- Ông cứ yên tâm, chúng tôi sẽ lo việc bảo hiểm.

Những người Việt sống gần khu vực đó đến thăm Cơ, mang đồ ăn để cùng ăn với Cơ. Rồi họ mời Cơ đến nhà chơi. Họ đưa Cơ đi chơi… khiến cho Cơ rất cảm động.

Công việc khá thuận lợi. Cơ tự chăm sóc bản thân, không cần đến y tá. Cơ tự thay băng, tiêm thuốc thông máu. Cơ tự nấu ăn. Và có lúc bị trầm cảm vì không được uống… rượu.

Tảng đá của Cơ cũng  đặc biệt. Khi đục có một lỗ thủng lớn bằng bàn tay, Cơ yêu cầu dừng lại để xem xét kỹ bởi vì Cơ đã đục khá nhiều các loại đá và chưa bao giờ thấy các lỗ thủng như thế. Thì ra đó là hàu hóa thạch. Vỏ con hàu dính vào đá và vỡ vụn, ruột của con hàu đã bị tiêu hủy. Ngoài con hàu còn nhiều vỏ ốc, ngao, hến hóa thạch, tất cả đã bị vỡ vụn khi đục. Bỗng có một hòn đá tròn vo văng ra cùng với các mảnh đá trong nhát đục của chú điêu khắc. Cơ nhìn rõ sự khác biệt của nó. Cơ chống nạng ra chỗ đá vụn để nhặt nó lên. Chính nó - còn nguyên vẹn một ruột con ốc đã hóa thạch với những bụi tấm vàng nâu là dịch nước của ruột ốc.

Bức tượng dần dần lộ ra sự đẹp đẽ của nó dưới bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc. Khi tạc đến khuôn mặt của người châu Á, chú điêu khắc mắt xanh mũi lõ nói với Cơ:

-  Có lẽ việc này hơi khó khăn với tôi.

- Vậy để đấy tao.

Cơ lại leo lên giàn giáo bằng sự trợ giúp của các nghệ sĩ, người kéo người ủn mông. Cơ đã tạc lên gương mặt rất đẹp đầy vẻ mãn nguyện của người đàn bà dâng lễ vật cúng trời đất khi mùa vàng bội thu.

Bức tượng đã không bị đục dở dang, ông Alain nói với Cơ:

- 18 năm tôi tổ chức trại điêu khắc, lần đầu tiên có một người bị tai nạn.

Chưa xảy ra tai nạn không có nghĩa là không bao giờ xảy ra. Nghề điêu khắc đá là một công việc nặng nhọc và nhiều rủi ro, chỉ sơ sểnh một chút là tai nạn. Lý ra điều là người trong ban tổ chức ông ấy phải lường trước.

Đón chồng trên chiếc xe lăn, vợ Cơ đùa:

- Nước Pháp trả lại cho tôi ông chồng bốn chân.

Và tôi không biết nước Pháp có biết điều này không, tảng đá dành cho Cơ tạc lên đó một người đàn bà An Nam tuyệt đẹp là một tảng đá chứa đầy những hóa thạch, mà mỗi một hóa thạch đó sẽ kể lại cho ta nghe câu chuyện từ triệu triệu năm trước đây. Và người đàn bà An Nam đứng sừng sững trong khu rừng nước Pháp cũng sẽ có ngày cất lên tiếng nói kể về câu chuyện của người nghệ sĩ đã dâng hết cả sức lực trí tuệ, thậm chí cả máu nữa cho cái đẹp, mà có lúc gần như bị đẩy ra bên lề với một ca mổ từ thiện. Nhưng cuối cùng, câu chuyện của Cơ đã kết thúc có hậu.


Thảo Mộc
Ý kiến của bạn