Tăng cường xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

20-07-2015 16:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Một trong những mục tiêu trong báo cáo được nhiều đại biểu nhất trí cao tại hội nghị là Bộ Y tế đổi mới công tác đào tạo,phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng bằng đại học y, dược của Việt Nam được khu vực và thế giới công nhận,tăng cường xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân...

Sáng 20/7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc xin ý kiến báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Một trong những mục tiêu trong báo cáo được nhiều đại biểu nhất trí cao là thời gian tới Bộ Y tế đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng bằng đại học y, dược của Việt Nam được khu vực và thế giới công nhận, tăng cường xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân...

10 năm thực hiện Nghị quyết 46, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, thời gian qua nhận thức của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong cả nước có chuyển biến tích cực: 100% tỉnh, thành đã ban hành được Nghị quyết, chỉ thị để triển khai thực hiện; Đã hoàn thành 33/41 đề án thực hiện đạt tỷ lệ 80,5%. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng. Hiện số cơ sở y tế công lập tăng lên 13.690 cơ sở, bệnh viện tư nhân phát triển nhanh với 171 bệnh viện.

10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuổi thọ trung bình tăng; tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm; nhiều dịch bệnh nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi. Nhiều chương trình liên quan đến lĩnh vực y tế đã đạt mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn từ 1990 đến 2015.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực

Ngành đã hoàn thành 7/9 chỉ tiêu theo Quyết định 243 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 46. Trong thời gian tới, ngành Y tế đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện để phù hợp với tình hình mới và khắc phục những tồn tại, bất cập.

Hướng tới mục tiêu bằng đại học y, dược của Việt Nam được thế giới công nhận

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, các thầy thuốc Việt Nam ra nước ngoài học tập để nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại từ đầu vì bằng đại học y, dược của nước ta chưa được thế giới công nhận. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo của nước ta chưa cao, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời gây tốn kém thời gian và kinh phí cho thầy thuốc.

Khắc phục tình trạng này, thời gian tới Bộ Y tế đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tăng cường hợp tác quốc tế; đặc biệt, đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Thí điểm cho phép các trường được thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo nhân lực y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng trong y học, hình thành các trung tâm nghiên cứu y học, y sinh học ngang tầm khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập nền Y học Việt Nam với nền y học của các nước tiên tiến trên thế giới. Đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nên thực hiện việc quản lý hệ thống y tế cơ sở theo ngành tại địa phương từ tuyến tỉnh trở xuống

Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước cho phép thực hiện việc quản lý hệ thống y tế cơ sở theo ngành tại địa phương từ tuyến tỉnh trở xuống giống như lực lượng vũ trang, tức là trạm y tế xã, bệnh viện huyện và phòng y tế trực thuộc Trung tâm y tế huyện; Trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, làm như vậy sẽ đảm bảo cho hoạt động của ngành thống nhất và hiệu quả hơn; Trung tâm y tế huyện sẽ điều tiết được kinh phí hoạt động cho khối dự phòng vì hiện nay ngân sách cấp cho khối dự phòng ngày càng giảm, trong khi đó khối điều trị lại có nguồn thu từ việc khám chữa bệnh

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại Bộ Y tế Ảnh Trần Minh

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại Bộ Y tế Ảnh Trần Minh

Tại hội nghị, các ý kiến đồng tình cao với 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới mà Bộ y tế đã đề ra trong Dự thảo báo cáo. Các ý kiến cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, xã hội hóa công tác y tế, đặc biệt việc thực hiện mô hình y tế công - tư vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần tạo điều kiện cho các bệnh viện hoạt động, phát triển nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành biểu giá các dịch vụ y tế, thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, có các giải pháp giảm tình trạng quá tải, bệnh nhân nằm ghép, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cần quan tâm tới lĩnh vực y học cổ truyền..

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Cần bổ sung vào dự thảo báo cáo về kết quả đạt được trên một số lĩnh vực, nổi bật là Việt Nam đã đẩy lùi được các dịch bệnh mới phát sinh, xây dựng được các bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện. Việc đổi mới công tác quản lý đã giảm 25% giá thuốc; ứng dụng tốt KHCN trong phòng, chữa bệnh. Về mục tiêu, quản điểm chỉ đạo cần chú ý tới hội nhập. Về nội dung, giải pháp cần gắn xã hóa công tác y tế với công tác quản lý hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiến tới sự hài lòng cho người bệnh…

Thái Bình

 

 

 

 


Ý kiến của bạn