Hà Nội

Tăng cường vận động thể lực để phòng chống bệnh không lây nhiễm

17-05-2019 07:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra thiếu vận động thể lực là một trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú ở phụ nữ; giảm nguy cơ mắc trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương, cải thiện trí nhớ và giúp kiểm soát cân nặng.

Khoảng 30% người trưởng thành ở nước ta thiếu vận động thể lực

Mặc dù vận động có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, thế nhưng theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và làm giảm tuổi thọ của người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân. Các yếu tố về hành vi lối sống và sự chủ quan của người dân như: hút thuốc, uống rượu bia, ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể lực... Rồi  tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu đều có xu hướng gia tăng nhanh đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mạn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Tăng cường vận động thể lực để phòng chống bệnh không lây nhiễmTập thể dục ngay tại công sở (Bộ Y tế) để phòng tránh bệnh tật.      Ảnh: T. Minh

Theo thông tin của ngành y tế, có tới 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp; chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán; 70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế và có tới 25 - 50% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Vận động thể lực đầy đủ giảm nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm và mạn tính

Nhằm góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó vận động thể lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ rõ, vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm từ 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng và ung thư vú...

Thế nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều người do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như đau người, mỏi mắt... Bên cạnh đó là việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư...

“Đến khi vào bệnh viện điều trị là giải quyết “sự đã rồi”, còn muốn phòng bệnh phải tích cực vận động rèn luyện cơ thể, dinh dưỡng hợp lý (giảm ăn mặn, giảm đường) và loại bỏ các thói quen xấu (như hút thuốc lá, uống rượu bia...) thì cơ thể mới khỏe mạnh”- Bộ trưởng nhấn mạnh

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã chính thức khởi động tập thể dục ngay tại công sở để phòng tránh bệnh tật. Theo đó, buổi tập thể dục tại công sở chính thức được áp dụng trước hết là ở cơ quan Bộ và mới đây nhất, trong tuần này, Bộ trưởng đã ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị trong ngành tổ chức phát động và triển khai tập thể dục cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, đơn vị, bao gồm tập trong lúc giải lao của các buổi họp, giao ban; tập lúc giải lao buổi sáng, buổi chiều trong giờ làm việc theo bài mẫu gợi ý tập thể dục giữa giờ (thời lượng 3 phút) đã được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.

Vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực thực hiện vận động thể lực với các hình thức phù hợp như đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc luyện tập thể dục, thể thao và các hình thức vận động khác tối thiểu 30 phút mỗi ngày.


Thái Bình
Ý kiến của bạn