Hà Nội

Tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong quản lý chi phí bệnh đái tháo đường

17-06-2019 09:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, có trên 4% dân số mắc bệnh đái tháo đường, gần 10% dân số mắc tiền tháo đường và tỷ lệ này vẫn đang gia tăng nhanh chóng.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Do đó, cần tăng cường các giải pháp phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lý này. Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế y tế do BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo có đại diện Đại sứ quán Đan Mạch; các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam; đại diện Sở Y tế, BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước và một số chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Việt Nam hiện có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, bệnh tiểu đường là một trong những vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu, làm chậm lại mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện toàn cầu có hơn 190 triệu người mắc bệnh tiểu đường và con số này đang tiếp tục tăng lên.

Tuyến y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng đối với quản lý bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh đái tháo đường.

Tuyến y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng đối với quản lý bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh đái tháo đường.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng cho biết, chi phí điều trị bệnh đái tháo đường rất tốn kém. Hằng năm, quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng để chẩn đoán và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường. Với nguồn quỹ BHYT còn nhiều khó khăn như hiện nay, làm thế nào để quản lý hiệu quả nhất chi phí dành cho khám, chữa bệnh đái tháo đường là rất cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà toàn xã hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin đa chiều về gánh nặng bệnh đái tháo đường và thực trạng tại Việt Nam, chú trọng các thông tin về biến chứng và chi phí cho biến chứng của bệnh. Đồng thời các đại biểu thảo luận về các công cụ kinh tế y tế và kinh nghiệm quốc tế về lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường với chi phí hiệu quả.

Bà Trương Lê Văn Ngọc (Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế) thông tin, Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế thống kê, năm 2017, Việt Nam có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và dự đoán con số này sẽ tăng lên trên 6 triệu người vào năm 2045. Đồng thời, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hiện 68,9% người bị tăng đường huyết ở Việt Nam chưa được phát hiện; 8,2% người trưởng thành bị rối loạn dung nạp glucose (dấu hiệu chính của bệnh đái tháo đường). Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh đái tháo đường của Việt Nam có chiều hướng gia tăng như: thừa cân, béo phì, sử dụng rượu bia, hút thuốc, lười vận động, ăn ít rau xanh...

Các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đái tháo đường chiếm khoảng 8% tổng chi quỹ BHYT

Về chi phí điều trị, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam) cho biết, các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đái tháo đường luôn nằm trong trong top 50 dịch vụ kỹ thuật có số chi lớn nhất ở Việt Nam; chiếm khoảng 8% tổng chi quỹ BHYT. Năm 2018, tổng chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là hơn 5.311 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2017).

Theo các chuyên gia, chi phí điều trị đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng; dự báo sẽ tăng 42% từ 2017 - 2045. Do đó, việc quản lý hiệu quả chi phí điều trị bệnh đái tháo đường là điều rất quan trọng.

Về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, phải tăng cường vai trò của tuyến y tế cơ sở trong phòng, chữa trị cho người bệnh đái tháo đường, thực hiện chuyển tuyến hợp lý; liên thông dữ liệu sức khỏe, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân, người tham gia BHYT để hạn chế chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc trùng lặp; áp dụng các kỹ thuật, thuốc mới để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong điều trị...

Đặc biệt, công tác tổ chức giám sát, đánh giá phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường cần được quan tâm; tập trung phòng chống tác hại của rượu bia, giảm tiêu thụ muối và kiểm soát thừa cân, béo phì; tăng cường các dịch vụ y tế cơ sở để phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh; định kỳ tiến hành điều tra như một phần của hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm nhằm theo dõi, đánh giá sự phân bố và xu hướng của các yếu tố nguy cơ, cung cấp bằng chứng cho xây dựng và triển khai các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.


Hoàng Phạm
Ý kiến của bạn