Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, Bộ đề nghị các đơn vị, theo chức năng, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); triển khai các giải pháp thông minh trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với chính sách, định hướng phát triển của Quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương có sự tham gia của các bên liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển bền vững.
Đặc biệt, Bộ đề nghị các địa phương, bộ ngành theo chức năng tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, thực hiện dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với sự kiện Giờ Trái đất, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động "Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết" từ 20h30 đến 21h30 ngày 30 tháng 3 năm 2024 (Thứ Bảy).
Việt Nam sẽ nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo để quan trắc khí tượng thủy văn, hướng tới dự báo sớm và nâng cao độ tin cậy của các bản tin dự báo. Đây là kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện cụ thể Đề án Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030.
Trong quyết định vừa được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ký, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bằng việc tăng thêm số trạm tự động, tăng dày mật độ radar thời tiết cho các khu vực trên đất liền, biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo.
Bộ TN&MT đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày. Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày.
Bên cạnh đó, tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020, cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ, tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến một tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm. Bộ TN&MT đặt mục tiêu sẽ nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 4/3: Miền Bắc chấm dứt rét đậm, rét hại